Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/01/2017-16:52:00 PM
Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII)
(MPI) – Thực hiện Kế hoạch số 30-KH/ĐUK ngày 06/12/2016 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, ngày 27/12/2016, Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII).

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Mai Ngọc Bích, Vụ trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan, các đồng chí Chi Ủy viên các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ quan, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy Đảng và cán bộ chuyên trách công tác Đảng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã quán triệt nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bộ trưởng cho biết, đây là Nghị quyết rất quan trọng, đã cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và nằm trong chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đón nhận, đồng tình, hưởng ứng và đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả thực hiện Nghị quyết.

Ban Chấp hành TW đã nghiên cứu, thảo luận rút ra 05 lý do cơ bản về sự cần thiết và tầm quan trọng của Nghị quyết: Thứ nhất, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ thường xuyên để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Thứ hai, tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”đang diễn ra nghiêm trọng, đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ; Thứ ba, hiện nay yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước ta hết sức khó khăn và nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhiều hơn nữa; Thứ tư, yêu cầu phải củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; Thứ năm, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng, Nhà nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh nêu trên, nếu Đảng không giữ vững được bản chất cách mạng, không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức, lối sống, không chặt chẽ về tổ chức, kỷ luật; không được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin cậy, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Đó cũng chính là lý do vì sao Ban Chấp hành Trung ương phải ban hành Nghị quyết này.

Với tinh thần đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể: Nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái ,“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nghị quyết khẳng định kết hợp giữa “xây” và “chống”, nhưng lấy “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; Không chủ quan, nóng vội, mà phải kiên quyết, kiên trì, nghiêm túc thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và làm quyết liệt, nói ít làm nhiều, làm đến đâu chắc đến đó; Không ồn ào, hình thức, phô trương nhưng hiệu quả; Quán triệt phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi người cùng thực hiện Nghị quyết và đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp trên và người đứng đầu, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết. Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chính là để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cao hơn.

Nghị quyết nêu ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hệ thống những biểu hiện là căn cứ để góp phần xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Đây là vấn đề khó, mà lâu nay chưa cụ thể hóa được nên còn lúng túng khi xem xét, đánh giá cán bộ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Về công tác chính trị tư tưởng; tự phê bình và phê bình; Về cơ chế, chính sách; Về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Một số điểm mới trong các nhóm giải pháp: Bắt buộc hằng năm phải học tập, nâng cao nhận thức, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; Xây dựng Đảng về đạo đức. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội; Rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý điều hành, bảo đảm công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; Hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay; Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng; Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”,”tự chuyển hóa”; Tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; Xây dựng cơ chế giải trình, giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên; Xây dựng quy định xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có lời nói và việc làm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nghiêm trọng; Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng thông qua công tác dân vận và công tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đặc biệt, Nghị quyết quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Về công tác chỉ đạo triển khai quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các cấp (từ chi ủy cơ sở, đảng ủy cơ sở trở lên), nghiên cứu kỹ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết để xây dựng chương trình hành động của cấp ủy thực hiện Nghị quyết, đồng thời đưa các nội dung của Nghị quyết vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị để tổ chức, thực hiện.

Bí thư cấp ủy (từ Bí thư chi bộ trực thuộc trở lên), người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động cá nhân thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; Thể hiện quyết tâm, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bản kế hoạch hành động cá nhân của Bí thư cấp ủy được giao cho cấp ủy cùng cấp, bản kế hoạch hành động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị cùng cấp quản lý, theo dõi và đánh giá hằng năm vào trong dịp kiểm điểm, đánh giá cuối năm.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; Đổi mới công tác cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác; Tiếp tục đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, đề cao tính nêu gương của người đứng đầu; Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý điều hành, bảo đảm công khai minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ công tác và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của các đơn vị báo chí thuộc Bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Với tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), tạo bước chuyển biến về chất trong rèn luyện bản thân, góp phần vào công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ để thiết thực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2017 và những năm tiếp theo.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe quán triệt các Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trưởng, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Kết luận số 09-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Thông qua Hội nghị, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy, lãnh đạo chủ chốt các cấp ủy trong toàn Đảng bộ có cơ hội để học tập, nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung cơ bản của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm chỉ đạo, những công việc cần triển khai trong tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm, gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên mỗi cương vị công tác của mình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh, góp phần đưa Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, việc xác định công tác chuyên môn cũng chính là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong thời gian tới và phải gắn với công tác chuyên môn của cơ quan nói chung, của từng đơn vị nói riêng và của từng cá nhân cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ này vừa cấp bách, vừa lâu dài trong suốt quá trình xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1678
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)