Ngày 16/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện dự án CDM ở Việt Nam xu thế hình thành các cơ chế mới của thị trường các – bon.
|
Ảnh: Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Hội thảo nhằm đánh giá, chia sẻ các bài học từ việc thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM) có thể giúp định hướng cho việc chuyển đổi sang cơ chế mới của thị trường các-bon tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý nhà nước, các cơ quan và đơn vị chuyên môn là các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện cơ quan phát triển sạch và các cơ quan truyền thông chia sẻ những bài học rút ra từ việc thực hiện và quản lý tín chỉ cac-bon tại Việt Nam và các nước khác. Đồng thời, thảo luận về cách thức để Việt Nam có thể khai thác cơ hội từ các cơ chế thị trường đã được nêu trong Thỏa thuận Paris thông qua việc chuyển đổi từ thực hiện Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang Cơ chế phát triển bền vững (SDM).
Theo các quy tắc quốc tế chi tiết được thiết lập trong khuôn khổ của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể đóng góp vào việc xây dựng và áp dụng các quy tắc để các dự án CDM không bị thiệt hại. Kết quả của Hội thảo có thể giúp Việt Nam thực hiện nỗ lực này. Các cuộc thảo luận cũng đưa ra các phương án để liên kết theo Thỏa thuận Paris với các công cụ chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu như thuế cac-bon sẽ giúp hiện thực hoá mục tiêu của Việt Nam về phát thải khí nhà kính trong việc đóng góp do quốc gia tự quyết định và dần dần theo con đường phát triển ít phát thải cac-bon và tạo thêm doanh thu.
CDM được hình thành vào năm 1997 theo Nghị định thư Kyoto cho phép các dự án ở các nước đang phát triển thực hiện giảm phát thải khí nhà kính có thể bán các tín chỉ phát thải cho các nước phát triển.
Việt Nam đã rất thành công trong việc triển khai CDM. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 về một số cơ chế, chính sách tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch, quy định một số cơ chế, chính sách tài chính cho các dự án CDM. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án, với hơn 250 dự án CDM được Ban Điều hành CDM công nhận, nâng tổng lượng cắt giảm khí nhà kính tiềm năng lên khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ. Việc giảm phát thải được Ban Điều hành CDM xác nhận đã được tính toán là hơn 10 triệu tấn, đứng thứ 11 trên thế giới.
Việt Nam đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong việc kết hợp phát triển bền vững và giảm phát thải thông qua việc cung cấp tín chỉ phát thải cho các nước công nghiệp với giá cạnh tranh so với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, CDM đã phải chịu ảnh hưởng do sự mất giá tín chỉ phát thải bởi sự bất ổn về chính sách khí hậu quốc tế trong tương lai và thiếu ý chí chính trị ở các nước công nghiệp phát triển theo đuổi các chính sách mạnh mẽ nhằm giảm nhẹ tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước đã cắt giảm các hoạt động theo cơ chế CDM.
Với sự phục hồi của các cơ chế thị trường cac-bon theo Thỏa thuận Paris, các cơ chế này một lần nữa trở thành công cụ ngày càng phổ biến được sử dụng phục vụ cho các nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, giúp giảm chi phí để đạt được các mục tiêu phát thải quốc gia và tạo ra cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư