Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/01/2017-12:05:00 PM
Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế”

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI)
(MPI) - Ngày 20/01/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế”.

Tham dự Hội thảo có ông Christian Brix Moller, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các Bộ, ngành, các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo nhằm tập trung phân tích, đánh giá sẵn sàng của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tuân thủ các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), xác địnhkhoảng cách chính sách và thể chế nhằm tận dụng tối đa các lợi ích mà FTA Việt Nam- EU mang lại cũng nhưgiảm thiểu những tác động tiêu cực, đề xuất chính sách nhằmcải cách thể chế,tái cơ cấu kinh tếphù hợp vớinhững cam kết trong Hiệp định.

Giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Hoàng Văn Phương cho biết, đây là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các phần chính của Hiệp định: Thương mại hàng hóa (về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); Quy tắc xuất xứ; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Thương mại dịch vụ (về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường); Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS); Đầu tư; Phòng vệ thương mại; Cạnh tranh; Doanh nghiệp nhà nước; Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý); Phát triển bền vững; Hợp tác và xây dựng năng lực; Pháp lý-thể chế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM trình bày Báo cáo “Tác động của EVFTA đến cải cách chính sách và thể chế”, trong đó tập trung vào 3 vấn đề: Môi trường đầu tư; Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Về môi trường đầu tư, những thay đổi trong tương lai về luật pháp đầu tư và thể chế sẽ phải tập trung vào các vấn đề: Luật hóa các quy định liên quan đến đầu tư để thực thi EVFA và các hiệp định khác; Tác động trực tiếp phải hướng tới việc cải thiện sự thuận lợi cho nhà đầu tư; Xem xét, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư, thúc đẩy việc phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước để đảm bảo thực hiện đầy đủ, phù hợp với các quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch để thu hút đầu tư và hướng dẫn thực hiện hiệu quả các chính sách để thu hút có chọn lọc đầu tư chất lượng cao, tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và các dự án có sản xuất quy mô lớn, các dự án đầu tư tại khu vực nông thôn có sử dụng số lượng lớn lao động và các dự án công nghiệp phụ trợ, các dự án xã hội hóa đầu tư theo quy định của Luật đầu tư; Xây dựng chính sách hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập, hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường mới thông qua các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và xúc tiến đầu tư, bao gồm hỗ trợ, giải quyết các vấn đề, khó khăn phát sinh trong các thị trường xuất khẩu ...; Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu, thành phần đầu vào cho sản xuất, chế biến chế tạo, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia tích cực trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ cao..; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng thủ tục tranh chấp công khai, minh bạch và tạo cơ chế để công nhận và bảo đảm thi hành các phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong đầu tư và các hoạt động kinh doanh.

Về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhìn chung, Hiệp định có thể giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế nói chung thông qua các nội dung: Thứ nhất, các EVFTA thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bằng cách cung cấp nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và có được hiệu quả quy mô. Thứ hai, Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy các dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam – nguồn vốn FDI được tin tưởng là có chất lượng cao và sản xuất Việt Nam có thể thu được hiệu ứng lan toả. Thứ ba, Hiệp định buộc Việt Nam để cải thiện các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tiếp cận với nguồn cung đầu vào giá thấp hơn từ EU, do đó chất lượng sản phẩm Việt Nam sẽ được cải thiện. Việc thực hiện các FTA cũng tạo ra môi trường cạnh tranh hơn khi buộc các doanh nghiệp trong nước phải cải thiện khả năng cạnh tranh của mình. Việc thực hiện EVFTA cũng giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường, giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh các thủ tục/chi phí không cần thiết khi liên quan đến các trường hợp chống bán phá giá.

Điều chỉnh thể chế và chính sách trong lĩnh vực này phải hướng tới nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường kinh doanh như quy định trong Nghị quyết 19. Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, loại bỏ các điều kiện kinh doanh và giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ưu tiên cao nhất phải được dành cho các vấn đề liên quan trực tiếp đến các cam kết trong FTA. Đối với việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Cần phải cải thiện các chỉ số cụ thể trong chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điểm cốt lõi trong các tác động về thể chế của FTA đến khả năng cạnh tranh là nhằm nâng cao năng suất của các công ty – điều này liên quan trực tiếp tới những cải tiến trong công nghệ và chất lượng lao động.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh thể chế và chính sách hướng tới áp dụng chung các quy định pháp lý đối với tất cả doanh nghiệp không phần biệt yếu tố sở hữu. Đẩy mạnh cải cách nhằm buộc doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo các nguyên tắc thị trường nhiều hơn. Chuẩn bị và ban hành các chính sách liên quan đến quyền sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, trong đó quy định rõ: vai trò của chính phủ trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý hoạt động nội bộ của doanh nghiệp nhà nước, cơ chế mà nhà nước sẽ quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Yêu cầu quan trọng trong việc cải cách ở lĩnh vực là tách biệt quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước với quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, theo đó loại bỏ những ưu tiên, hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hoá. Hoàn thiện cơ chế về người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, cơ chế công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước sẽ làm việc với nguyên tắc thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ phải ban hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực khác nhau (công ty công ích hoặc các công ty kinh doanh). Các chỉ số quan trọng cần có mức độ lan tỏa và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.

Bên cạnh việc xác định lại vai trò/vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, cần phải thiết lập một cơ chế quản lý để đối phó với các rủi ro gây ra bởi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước phải được tính trong hệ thống nợ của Chính phủ. Chính phủ cần kiểm soát, theo dõi và giám sát các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1935
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)