Phát triển thủy sản bền vững phục vụ tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu đang là mục tiêu của ngành nông nghiệp, tuy nhiên việc kiểm soát tình trạng vi phạm an toàn trong lĩnh vực này nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu còn nhiều khó khăn.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
|
Thực tế, qua kiểm tra trong tháng Hai, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phối hợp với cơ quan địa phương lấy 50 mẫu nhuyễn thể, 100 mẫu nước kiểm tra các chỉ tiêu độc tố sinh học biển, tảo độc, vi sinh vật kim loại nặng, phát hiện samonella trong đó một mẫu nghêu thu tại vùng Giao Thủy, Nam Định và đã xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết qua đánh giá xếp loại các cơ sở, trong lĩnh vực thủy sản có tới 90% cơ sở thu gom, kinh doanh vận chuyển nguyên liệu thủy sản xếp loại C, 94,6% cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản xếp loại C.
Vì vậy, việc kiểm tra định kỳ, tăng cường công tác kiểm tra, tái kiểm tra trong lĩnh vực thủy sản rất quan trọng để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Cùng với việc nuôi trồng thủy sản, việc khai thác nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu cũng như triển khai đề án tái cơ cấu thủy sản Việt Nam theo hướng tăng cường đánh bắt xa bờ, phát triển bền vững. Nhưng thực tế cho thấy, việc chế biến, bảo quản chất lượng thủy sản đánh bắt xa bờ chưa được chú trọng và nâng cao mà mới chỉ tập trung vào sản lượng.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ nguồn lợi và Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,25 triệu tấn với trên 900 loài; trong đó trữ lượng cá nổi nhỏ ước tính khoảng 2,65 triệu tấn, chiếm khoảng 62,4% tổng trữ lượng.
Dự kiến, thời gian tới, Việt Nam có khả năng khai thác cá nổi nhỏ khoảng hơn 1 triệu tấn, hải sản tầng đáy khoảng 244.000 tấn...
Ước tính hai tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 419.000 tấn các loại, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ nguồn lợi và Khai thác thủy sản cảnh báo, để khai thác theo tiêu chuẩn quy định của Tổ chức Nông lương liên hợp quốc phải điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền, năng lực người tham gia đánh bắt, làm tốt công tác quy hoạch, dự báo... để đảm bảo chất lượng khai thác cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.
Cùng với việc kiểm soát chất lượng thủy sản hải đánh bắt xa bờ, việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh trong nuôi trồng thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng lưu ý, trong tháng Hai, thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng xấu tới sản xuất thủy sản, bệnh đốm trắng xảy ra tại năm tỉnh, với tổng diện tích nuôi bị bệnh hơn 42ha và bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra trên tôm sú và tôm thẻ trên diện tích hơn 47ha.
Ngoài ra, bệnh trên các loài thủy sản khác như ốc hương có hiện tượng sưng vòi, bỏ ăn nhưng chưa xác định được nguyên nhân, hiện tượng tôm hùm sữa đỏ thân và đen mang vẫn xuất hiện...
Đó là lý do cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, vật tư trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, con giống... để đảm bảo chất lượng nuôi trồng thủy sản.
Ước tính, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng Hai đạt 141.000 tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hai tháng đầu năm đạt 323.000 tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Cục bảo vệ thực vật, số lượng người nuôi nắm được quy trình và việc sử dụng thuốc, các loại thức ăn đúng cách chiếm khoảng 30%, còn lại phần lớn sử dụng theo kinh nghiệm hoặc cứ trộn nhiều loại với nhau... dẫn đến vi phạm an toàn trong sản xuất. Vì vậy, địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao yêu cầu đối với người bán, nhà cung cấp, đồng thời, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản sản xuất theo mô hình an toàn sinh học.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu các đơn vị chức năng xây dựng và hoàn thiện quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Rà soát quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 làm căn cứ chỉ đạo và tổ chức sản xuất, giám sát chặt chẽ tình hình chuẩn bị điều kiện nuôi và thả giống tại địa phương, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, xây dựng vùng sản xuất thủy sản an toàn; nghiên cứu giải pháp xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh cá tra đảm bảo lợi ích của các bên, tháo gỡ khó khăn về vốn vay nuôi cá tra, tôm; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, thâm canh theo hướng an toàn sinh học; đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, bất cập trong xuất khẩu thủy sản, tiếp tục xử lý các lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo tại thị trường châu Âu, châu Á.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản hoàn thiện Thông tư quy định về quản lý chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất cải tạo xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Cục Thú y cũng hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/TT-BNNPTNT quy định về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản... nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng trong lĩnh vực thuỷ sản./.