Đến với Thái Bình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tìm thấy nhiều cơ hội, khả năng và sự lựa chọn mới.Các lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội.
|
Đoàn công tác của tỉnh Thái Bình thực hiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản tháng 1/2013
|
Là tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình cách Thủ đô Hà Nội 110 km, cách Hải Phòng 70 km; nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thái Bình có dân số 1,78 triệu người, có diện tích tự nhiên 1.647,7 km2.
Thái Bình có đất đai bằng phẳng, màu mỡ, có truyền thống phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, có năng suất lúa cao (12-13 tấn/ha), là tỉnh trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng và luôn đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới.
Thái Bình có bờ biển dài 54 km, có 5 cửa sông lớn ra biển, bồi lắng hình thành một số cồn cát ven biển, có trên 5.000 ha rừng ngập mặn, nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận; có vùng triều, với 16.000 - 18.000 ha, trong đó có 6.000 - 7.000 ha có thể nuôi trồng thuỷ sản.
Về tài nguyên, khoáng sản: Thái Bình có nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào. Nguồn khí đốt ở mỏ Tiền Hải đã phục vụ sản xuất vật liệu sành - sứ - thủy tinh của Khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải. Tỉnh đang phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đẩy nhanh tiến độ đưa khí đốt lô 103, 104 ven biển vào KCN Tiền Hải.
Đặc biệt, Thái Bình có bể than Đồng bằng sông Hồng, được đánh giá có trữ lượng lớn (trên 210 tỷ tấn) ở độ sâu từ 600 đến 1.600 m, đã được Chính phủ quy hoạch khai thác từ năm 2015, mở ra khả năng phát triển công nghiệp. Thái Bình cũng phối hợp với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) triển khai các hoạt động chuẩn bị thăm dò, khai thác thử nghiệm bể than trên.
Về nguồn nhân lực, Thái Bình có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 60,1% dân số, trong đó lao động qua đào tạo chiếm 28%.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 trường đại học, 4 trường cao đẳng và một số trường trung cấp, dạy nghề. Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở đào tạo nghề, với quy mô đào tạo trung bình trên 25.000 học sinh/năm.
Thái Bình là vùng đất có truyền thống cách mạng; có nhiều di tích được xếp hạng đặc biệt hoặc cấp quốc gia, như Chùa Keo, Khu phát tích các vương triều nhà Trần, Đền Đồng Bằng, Đền Tiên La, Nhà thờ Lê Quý Đôn, Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Lăng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Thái Bình đã quy hoạch các khu du lịch ven biển Cồn Vành, Cồn Đen, Đông Minh... để đầu tư phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng ven biển.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện
Thái Bình có hệ thống thông tin liên lạc thuận tiện, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy khá phát triển; kết cấu hạ tầng nông thôn thuận lợi. Bình quân mật độ lưới đường bộ là 3,72 km/km2; tỷ lệ láng nhựa tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã đạt 100%. Theo quy hoạch, trong thời gian tới, Thái Bình có một số tuyến giao thông quan trọng chạy qua, như Quốc lộ ven biển là tuyến hành lang kinh tế của các tỉnh duyên hải Nam Đồng bằng sông Hồng; quốc lộ Thái Bình đi Hà Nam (đã khởi công); tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc từ Nam Định qua Thái Bình sang Hải Phòng (quy hoạch sau năm 2020) sẽ thúc đẩy Thái Bình giao lưu kinh tế và thu hút đầu tư.
Hiện Nhà nước đang xây dựng Cảng Cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) - là cảng container lớn nhất của cả nước. Công trình này cách Thái Bình khoảng 30 km.
Cần phải nói thêm rằng, Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Hiện tỉnh đang xây dựng Khu kinh tế ven biển Thái Bình giai đoạn I (10.000 ha đã quy hoạch) và phát triển 15 KCN tập trung và 43 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, Thành phố (giai đoạn tới năm 2020), với tổng diện tích là 4.399 ha, Một số KCN, như Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh đã được lấp đầy từ 85 đến 95%. Một số KCN khác, như Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải có tỷ lệ lấp đầy 30 - 60% và đang tiếp tục kêu gọi thu hút các dự án đầu tư.
Thái Bình đang phối hợp PVN và Vinacomin xây dựng Trung tâm Điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc huyện Thái Thuỵ (nằm trong khu kinh tế ven biển của tỉnh), với 4 tổ máy công suất 1.800 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2014, Trung tâm sẽ phát điện tổ máy số 1.
Tính đến hết năm 2012, đã có tổng cộng 633 dự án đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 72.536 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 136.500 lao động.
Ngoài ra, phải kể đến một số dự án đầu tư công nghiệp trọng điểm sắp được hoàn thành trong thời gian tới, như Trung tâm Điện lực Thái Bình, Nhà máy Sản xuất Nitrat Amon, Đường ống dẫn khí đốt vào bờ để phát triển mạnh KCN Tiền Hải... Đây sẽ là lợi thế không nhỏ để tăng cường thu hút đầu tư vào Thái Bình trong giai đoạn tới.
Chủ động xúc tiến và mời gọi đầu tư
Trong thời gian qua, Thái Bình đã tích cực tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước, như tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Thái Bình tại Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và Nam Định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều đoàn công tác đi nghiên cứu, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và một số nước châu Âu.
Đặc biệt, trong tháng 1/2013, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Hội nghị và quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thái Bình. Ngay sau chuyến công tác xúc tiến đầu tư, đã có một số đoàn DN của Nhật Bản, Hàn Quốc đến Thái Bình làm việc và trực tiếp tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để triển khai các chương trình, nhằm đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất - kinh doanh; tổ chức hoạt động đào tạo nâng cao năng lực tổ chức sản xuất - kinh doanh, kỹ năng quản trị cho các DN trên địa bàn; triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, du lịch của tỉnh Thái Bình trên các trang web, tạp chí của VCCI.
Trong giai đoạn 2001-2011, Thái Bình có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực, khi lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hiện chiếm tỷ trọng 68% GDP của tỉnh.
Trong năm 2013, Thái Bình tiếp tục khẳng định công tác xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, tạo động lực thu hút nguồn vốn của các DN trong và ngoài nước, nhằm đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên thu hút những dự án nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp với các chuyên gia tư vấn Nhật Bản rà soát, xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng vùng để có cơ sở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Tỉnh sẽ phấn đấu để tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN và cụm công nghiệp, đồng thời phát triển mới các KCN ven biển.
Xét về địa bàn thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương tập trung thu hút đầu tư vào KCN Sông Trà, Cầu Nghìn, Tiền Hải, cụm công nghiệp Thái Thọ và một số KCN, cụm công nghiệp khác.
Về các chính sách, các thủ tục quy định liên quan đến thu hút đầu tư, Thái Bình tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành, như chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào tỉnh (Quyết định 09/2012/QĐ-UBND, ngày 10/3/2012 của UBND tỉnh Thái Bình), trong đó có các ưu đãi về kinh phí san lấp mặt bằng, hỗ trợ người lao động đào tạo nghề... đối với danh mục các dự án, lĩnh vực được ưu đãi và các chính sách cụ thể về đơn giá thuê đất, đầu tư vào địa bàn khó khăn...
Tỉnh tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp ven biển; chính sách ưu đãi cho các dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội...
UBND tỉnh sẽ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND về cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động cấp phép đầu tư. Tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đến các KCN, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Gia Lễ và các cụm công nghiệp... bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tỉnh tiếp tục triển khai công tác đào tạo và hỗ trợ DN; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, VCCI, cùng các tổ chức kinh tế, hiệp hội DN, các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp để tổ chức các khóa đào tạo cho các DN, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý; giúp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhân viên của các DN trên địa bàn.
(*) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình
Danh mục Các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2011-2015 của Thái Bình:
Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản: Dự án Xây dựng trung tâm sản xuất ngao giống; Nhà máy chế biến ngao; Dự án Tổ chức sản xuất và chế biến gạo, ngô, đậu tương, khoai tây chủ yếu từ nguyên liệu địa phương; Dự án Nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh và thức ăn chín; Dự án Xây dựng trung tâm chế biến hạt giống (lúa, ngô, đậu tương..) cho khu vực Đồng bằng sông Hồng; các dự án chăn nuôi trang trại quy mô lớn; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (BIOMASS) từ nguồn nguyên liệu phế phẩm và sản phẩm nông nghiệp; Dự án Sản xuất tiêu thụ rau an toàn phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp: Dự án Nhà máy chế tạo và lắp ráp máy nông nghiệp (máy cày, máy gặt đập liên hợp...); Dự án Nhà máy sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện - điện tử; Nhà máy chế tạo, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng: Dự án Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, trong đó có các KCN mới, ven biển (Hoàng Long, Thái Thượng); Dự án Đầu tư xây dựng theo hình thức BOT tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng cảng Diêm Điền.
Trong lĩnh vực dịch vụ: Dự án Xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Vành; Dự án Khu nghỉ dưỡng Đồng Châu, Dự án Xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Đen.
Trong lĩnh vực văn hoá- xã hội, môi trường: Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình (có 1.000 giường); Dự án Nhà máy Xử lý chất thải rắn tại phía Nam và phía Bắc tỉnh; Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại 7 thị trấn của các huyện.
+ Các dự án khác thuộc các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do nhà đầu tư đề xuất.
|