(MPI) – Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2017 và dự báo trong thời gian tới của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ hơn trong năm 2017 về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc.
Tuy nhiên theo Báo cáo, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Trong đó, nhìn từ bên ngoài, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gặp nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị năm 2016 (Brexit, bầu cử tại Hoa Kỳ). Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Hoa Kỳ có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của nước này có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và tăng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất trong năm 2017 hoàn toàn có thể xảy ra sẽ tạo sức ép tỷ giá và ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Xét về các yếu tố nội tại của nền kinh tế, tăng trưởng gặp khó khăn khi các động lực tăng trưởng chính không còn mạnh mẽ như những năm trước, đó là sự suy giảm ngành khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu và các động lực kích cầu tiêu dùng như sự ổn định của giá cả, tăng trưởng kinh tế cao. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2017 được dự báo sẽ cao hơn năm 2016 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình. Nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng”. Trong khi đó, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc, nợ công cao, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư