Toàn cảnh Hội nghị tập huấn Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 (MPI) – Phát biểu tại Hội nghị tập huấn Tổng điều tra Kinh tế năm 2017 do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương tổ chức trong các ngày 08-10/02/2017, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương 2017 mong muốn toàn ngành Thống kê cùng chung khát vọng đổi mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, mỗi cá nhân, tập thể ngành Thống kê phải xây dựng khát vọng, khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới, khát vọng trưởng thành, từ chưa tốt thành tốt, từ tốt một thành tốt hai, từ chưa giỏi thành giỏi, từ giỏi một phải thành giỏi hai; Phải là người về nhất và phải là giỏi nhất, ưu tú nhất trong số những người giỏi nhất, ưu tú nhất.
Với truyền thống bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, cải cách và đoàn kết của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cùng phấn đấu thực hiện 8 chữ vàng: Trí - Hành - Kết - Tâm - Chuyên - Danh - Khát vọng - Bản lĩnh. Đầu tư trí tuệ để hành động quyết liệt; Đã hành động là phải đạt kết quả; Hành động phải được dẫn đường bằng tâm sáng; Hành động là phải chuyên nghiệp; Tất cả vì thanh danh, thương hiệu của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng biểu dương và đánh giá cao các kết quả ngành Thống kê đã đạt được trong năm 2016, cũng như của các năm trước đây, đồng thời cho rằng, có 4 điểm sáng mà ngành Thống kê đã đạt được: Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành cũng như nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và quốc tế; Môi trường pháp lý về thống kê được hoàn thiện đáng kể thông qua thực hiện tốt Luật thống kê 2015, Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật của Ngành, khắc phục cơ bản được tình trạng chênh lệch số liệu thống kê; Đã có nhiều đổi mới về phương pháp, chế độ thống kê đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê; Đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hệ thống của Tổng cục Thống kê với các đơn vị thống kê của các Bộ, ngành trong việc thực hiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Đã có những thỏa thuận được ký kết giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành về việc chia sẻ thông tin, tiến tới nghiên cứu và sử dụng dữ liệu lớn cho hoạt động thống kê.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao những thành tựu lớn của ngành Thống kê đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để khẳng định vị trí, vai trò và nâng cao vị thế của ngành Thống kê trong nền kinh tế. Các kết quả điều tra, nghiên cứu và số liệu thống kê ngày càng trở nên quan trọng trong tất cả các hoạt động, từ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này đã được chứng minh trong thực tế, các ngành, các cấp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng, không thể thiếu của số liệu thống kê trong công việc của mình, ngày càng biết đến ngành Thống kê và cần đến số liệu thống kê.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngành Thống kê cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện một số mục tiêu trọng tâm về tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng số liệu thống kê ở các cấp, các ngành, cũng như nâng cao tính hiệu quả trong tổ chức điều tra và xử lý, nắm bắt nhanh nhạy hơn nữa nhu cầu thông tin. Thống kê cần cố gắng thực hiện các phân tích sâu, để các con số thống kê phải là các con số biết nói. Đồng thời, phải phổ biến kịp thời, rộng rãi thông tin thống kê, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển thống kê đến năm 2020.
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện những nhiệm vụ quan trọng cho sự đổi mới và phát triển công tác thống kê, cùng với Tổng điều tra dân số và Tổng điều tra Nông nghiệp - Nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Tổng điều tra kinh tế năm 2017 là một nhiệm vụ trọng tâm, phải được thực hiện tốt.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 với chu kỳ 5 năm/1 lần sẽ cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ; Giúp người dùng nắm được quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của mỗi địa phương. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác tham mưu chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; Nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; Xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; Nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững. Kết quả của cuộc điều tra này cũng sẽ là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ngành Thống kê hết sức cố gắng, nỗ lực thực hiện nhanh, đạt kết quả cao cuộc Tổng điều tra quan trọng này; Cung cấp các thông tin, số liệu, kết quả nghiên cứu, phân tích để có thể chuẩn đoán chính xác “các bệnh của nền kinh tế”, từ đó “kê những đơn thuốc” hiệu quả, giúp nền kinh tế lớn mạnh và phát triển.
Để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra Kinh tế năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ngành Thống kê thực hiện tốt vai trò chủ trì, hướng dẫn phương án, nghiệp vụ, kế hoạch triển khai Tổng điều tra đối với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, các Ban Chỉ đạo địa phương, Tổ công tác các Bộ, ngành; Tham mưu và lập kế hoạch cho Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lãnh đạo địa phương chỉ đạo Tổng điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của Ngành và mỗi địa phương. Đồng thời, các Bộ, ngành, UBND các cấp, sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Tổng điều tra. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu Thuế, Kho bạc Nhà nước, đăng ký kinh doanh, quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông... cho mục tiêu Tổng điều tra. Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp cần đi đầu trong việc chấp hành yêu cầu cung cấp thông tin thống kê theo mẫu biểu Tổng điều tra; Thực hiện nghiêm túc kế hoạch Tổng điều tra đã đề ra, đảm bảo hoàn thành các công việc đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền để điều tra viên, người cung cấp thông tin ở các đơn vị điều tra hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp số liệu; cần cung cấp số liệu gì và tính toán như thế nào nhằm đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của số liệu. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát với mọi hình thức để đảm bảo phương án Tổng điều tra được triển khai thống nhất ở các Bộ, ngành, địa phương, điều tra viên thực hiện tốt quy định khi thu thập số liệu. Yêu cầu các đồng chí Trưởng ban chỉ đạo tổng điều tra và Cục trưởng cục Thống kê tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tất cả điều tra viên phải thu thập thông tin từ các đơn vị điều tra.Thực hiện thưởng, phạt nghiêm minh đối với các đơn vị, cá nhân trong triển khai Tổng điều tra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác kiểm tra, xử lý số liệu Tổng điều tra cần được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ để sớm hoàn thành tổng hợp, phân tích và công bố số liệu. Tổng cục Thống kê xây dựng đề cương và thực hiện biên soạn các báo cáo chuyên đề từ thông tin của Tổng điều tra, nhằm cung cấp kịp thời thông tin thống kê chuyên sâu phục vụ cho đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và địa phương, phục vụ công tác tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các Bộ, ngành và địa phương nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp, giúp Đảng và Nhà nước nắm bắt, chỉ đạo tốt chiến lược phát triển đất nước trong tình hình mới./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư