(MPI) - Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật này tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
|
Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra ngày 22/02/2017, tại Hà Nội.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Dự thảo đã tiếp thu theo hướng phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng. Dự thảo xác định 2 loại hỗ trợ: hỗ trợ cơ bản, thiết yếu (hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực); Hỗ trợ theo mục tiêu (hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị). Đây là loại hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.
Dự thảo được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp DNNVV ổn định sản xuất. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc hỗ trợ phù hợp với nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ. Đồng thời đưa ra các phương án hỗ trợ có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, không để các chương trình cụ thể như trước, chỉnh sửa và xây dựng các nội dung hỗ trợ theo mục tiêu, đưa ra các nguyên tắc thực hiện để tạo sự linh hoạt cho Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện. Thiết kế các phương án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ, bao gồm: nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Rà soát Luật sử dụng ngân sách Nhà nước, Luật đất đai, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật đấu thầu, Luật đầu tư… để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện và nội dung hỗ trợ, làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai, đồng thời tăng tính khả thi của Dự thảo.
Kết cấu của Dự thảo gồm 4 chương, 40 điều. Trong đó, Chương I: Những quy định chung (Điều 1 đến Diều 7). Chương này nêu phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tiêu chí xác định DNNVV, giải thích từ ngữ, nguyên tắc, nội dung hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ, hành vi bị cấm trong hỗ trợ DNNVV, quản lý nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương II: Nội dung hỗ trợ DNNVV (từ Điều 8 đến Điều 18). Chương này nêu 7 nội dung của hỗ trợ cơ bản và 3 nội dung hỗ trợ theo mục tiêu. Chương III: Quản lý Nhà nước và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV (từ Điều 19 đến Điều 37). Chương này nêu rõ nội hàm của quản lý Nhà nước về hỗ trợ DNNVV, trách nhiệm của Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm cụ thể của các Bộ - cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội DNNVV và các hiệp hội khác.
Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của DNNVV, cụ thể: Thực hiện đúng các cam kết đối với cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV và có nghĩa vụ hoàn trả mọi chi phí hỗ trợ trong trường hợp vi phạm hoặc lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi; Hoạt động đúng quy định của pháp luật, tuân thủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước; Cung cấp thông tin về doanh nghiệp chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hỗ trợ; Bố trí nguồn lực đối ứng để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, Chương này quy định về công khai, giám sát, đánh giá DNNVV, khen thưởng, xử lý vi phạm. Chương IV: Điều khoản thi hành (từ Điều 38 đến Điều 40).
Theo dự kiến, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư