Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn thấp và chậm, nhìn chung các nền kinh tế khu vực Đông Á trong năm 2013 sẽ có sự tăng trưởng chậm lại. Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam dự báo khoảng ở vào khoảng 5,2% trong năm 2012 và 5,5% ở năm 2013.
|
Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam khoảng 5,5%.
|
Đây là một trong những nội dung tại Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mà WB công bố tại cuộc họp báo về Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012, chiều 5/12, tại Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức và với những kinh nghiệm rút ra từ các kỳ tổ chức Hội nghị CG trước đây, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, các Hội nghị năm trước thường có quá nhiều nội dung trao đổi, tuy nhiên, năm nay chủ yếu chỉ bàn tới các biện pháp làm thế này để giúp Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững.
“Chúng tôi muốn nhìn nhận dưới góc nhìn của Chính phủ Việt Nam và đối tác phát triển về hai khía cạnh quan trọng là đào tạo, kỹ năng nghề giúp Việt Nam nâng cao khả năng sản xuất và sự đảm bảo tăng trưởng hoà nhập và bền vững của Việt Nam,” bà Victoria Kwakwa nói.
Báo cáo đánh giá cao các chính sách ổn định kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, dự trữ ngoại tế của Việt Nam tăng dần trong các quý I, II và III cho thấy cơ sở dự trữ đã tốt hơn. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ đã duy trì ổn định và nền kinh tế vĩ mô hiện đã khá ổn định so với 18 tháng trước.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong cán cân thanh toán và Việt Nam lần đầu có thặng dư nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng xuất khẩu 30% và đây là bước tiến tốt trong tình hình kinh tế thế giới còn khá u ám.
Tuy nhiên, cũng tại báo cáo các chuyên gia phân tích cho rằng mức dự trữ ngoại hối hiện của Việt Nam vẫn là con số nhỏ nếu so với các nước trong khu vực. Trong tương lai Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, như lạm phát cơ bản vẫn cao, sau khi loại trừ giá nhiêu liệu.
Thêm vào đó là sức ép từ việc nới lỏng chính sách tài khoá sớm và quá dài của giai đoạn 2009, 2010 đã khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng trở lại trong các năm 2011, 2012 sau đó.
Một thách thức quan trọng khác mà Việt Nam phải đối mặt là chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi, nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Việc triển khai chậm trễ và kém hiệu quả của quá trình cải cách, tái cấu trúc kể cả việc giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang là vật cản tới tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Ông Deepark Mishra Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, mối quan tâm chính của hầu hết người dân Việt Nam vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý là họ quan tâm đến sự biến động từ chi phí tiêu dùng hơn là thu nhập và việc làm cũng như con số tăng trưởng.
“Thông điệp người dân gửi tới Chính phủ không phải là con số tăng trưởng mà là chất lượng của tăng trưởng, theo đó giá cả tiêu dùng phải ổn định và chi phí sinh hoạt phải phù hợp với đời sống đại bộ phận dân cư,” ông Deepark Mishra nói.
Trước thềm Hội nghị, cuộc đối thoại thường niên lớn nhất giữa Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra ngày 3/12 ở Hà Nội, vấn để xử lý nợ xấu như thế nào để có hiệu quả nhanh nhất cũng được các đại biểu đưa vào thảo luận./.