Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 đánh dấu sự chuyển giao vai trò Ban Thư ký từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) sang Liên minh 14 Hiệp hội Doanh nghiệp và Phòng Thương mại trong nước và nước ngoài. Sự chuyển giao đánh dấu sự trưởng thành của khu vực tư nhân và đảm bảo sự phát triển bền vững của Diễn đàn. Đặc biệt, sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong Diễn đàn đầu tiên sau quá trình chuyển giao thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam đối với những đóng góp của Diễn đàn trong những năm qua.
Tại Diễn đàn, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, Việt Nam muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn và chất lượng tốt hơn.
Để được như vậy, Chính phủ Việt Nam nên tập trung các nỗ lực trong năm 2013 vào việc giải quyết ba vấn đề tổng quát: giá cả, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu không, điều này sẽ tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng của nguồn vốn này.
Ông Preben Hjortlund, thay mặt cho các thành viên và đại diện cho lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đưa ra các kiến nghị hướng đến lợi ích dài hạn của Chính phủ và người dân Việt Nam. Trong đó nêu bật, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng bền vững nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, khi sân chơi trở nên bình đẳng hơn, tình trạng tham nhũng và các yếu kém đi kèm được giải quyết, và khi thủ tục hành chính và sự giám sát của Chính phủ ở mức độ hợp lý.
Ông khẳng định, EuroCham sẽ tiếp tục nỗ lực để quảng bá cho Việt Nam như một điểm đến thương mại và đầu tư cho cả doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Christopher Twomey, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, AmCham Việt Nam đã hợp tác và hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam duy trì ổn định trong tăng trưởng thương mại song phương hơn 12 năm qua, từ 1.5 tỷ đô la Mỹ năm 2001 khi Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực (tháng 12 năm 2001); đến 9.7 tỷ đô la Mỹ năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO và đạt quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ (tháng 12 năm 2006); đến hơn 22 tỷ đô la Mỹ năm 2011.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Trong vài năm vừa qua, Việt Nam đã phải đối mặt với một số thử thách trong ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát quá cao, căng thẳng thị trường ngoại hối, lãi suất danh nghĩa cao, suy giảm dự trữ ngoại hối, giảm thứ hạng trong bảng xếp hạng của tổ chức xếp hạng tín dụng và các ý kiến tiêu cực từ các tổ chức tài chính toàn cầu đã nhấn mạnh sự cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách để thay đổi.
Các công ty thành viên của AmCham nhận thấy tình hình kinh doanh tại Việt Nam hiện nay khó khăn hơn so với những năm qua. Nỗ lực của Chính phủ để “quản lý” hoạt động kinh doanh là nguyên nhân làm cho nhiều nhà đầu tư xem xét lại việc kinh doanh và kế hoạch mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tham nhũng là một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam làm giảm vai trò quản lý, làm yếu đi quy định của luật pháp, cản trở sự phát triển kinh tế và nỗ lực giảm thiểu đói nghèo và đánh mất các điều kiện cạnh tranh trong các giao dịch kinh doanh. Đảng và Nhà nuớc đã cố gắng đưa ra cách thức quản trị và chống tham nhũng trong năm 2004, nhưng có ít tiến bộ đạt được trong 8 năm qua. Trong một cuộc khảo sát gần đây của các thành viên AmCham, hơn 80% số người được hỏi được liệt kê tham nhũng là một trong hai mối quan tâm hàng đầu của họ tại Việt Nam.
AmCham đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam việc thành lập mô hình “quan hệ đối tác ba bên” và “Hội đồng tiền lương quốc gia” với các đại diện Chính phủ (bao gồm không chỉ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mà còn có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính), đại diện người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và các Hiệp hội ngành công nghiệp Việt Nam), và đại diện của người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn ngành công nghiệp khác), các tổ chức này cùng tham gia hợp tác nghiên cứu chung và các cuộc thảo luận thực tế liên quan đến quan hệ lao động, tiền lương, và các vấn đề lao động khác.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gửi thông điệp của Chính phủ Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó, ông nêu ra một số đánh giá, nhận định.
Về những vấn đề chung, Phó Thủ tướng khẳng định trong dài hạn và trung hạn, Việt Nam sẽ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động mọi nguồn lực của cả nhà nước và các thành phần kinh tế để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong tăng trưởng ngắn hạn, Việt Nam ưu tiên kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, duy trì an sinh xã hội, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến doanh nghiệp và nhà đầu tư, coi doanh nghiệp và nhà đầu tư là nhân tố phát triển của Việt Nam, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của chính mình. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điền kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp cận vốn, vấn đề lãi xuất, sắp tới Việt Nam sẽ điều hành theo xu hướng của lạm phát giảm và xem xét việc giảm lãi xuất theo xu hướng đó. Tiếp đó, vấn đề cơ cấu lại nợ và giải quyết các khoản nợ xấu, vấn đề này đã và đang được làm và sẽ được làm một cách quyết liệt,
Vấn đề thứ ba là hạn chế tăng các chi phí cho doanh nghiệp trong đó có cả vấn đề thuế và phí, về thuế Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình cải cách thuế đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Năm 2013, trình Quốc hội sửa Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, trong đó có xem xét vấn đề hạ thuế.