Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/03/2017-16:11:00 PM
Thống nhất về nguồn lực và hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 28/3/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp xây dựng cơ chế thống nhất về nguồn lực và hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa. Đây là cuộc họp đặc biệt bởi ba Bộ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng đồng chủ trì cùng sự tham gia của lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đồng chủ trì cuộc họp.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Sau khi các nghe đại biểu ý kiến về thực trạng, nhu cầu, đánh giá tác động của tuyến đường tới sự phát triển của vùng và từng địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tuyến đường này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giữa các tỉnh trong vùng. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đều là những địa phương năng động, rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhưng chưa kết nối được với nhau. Nếu không có tuyến đường này thì tiềm năng ở các khu vực ven biển của các địa phương chỉ là tiềm năng mà không thể khai thác được. Mặt khác, tuyến đường sẽ là chất xúc tác quan trọng để phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng lớn, cửa ngõ của đất nước như Cảng Lạch Huyện, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng, các khu du lịch lớn của quốc gia như Hạ Long, Đồ Sơn, Cát Bà...

Tuy tuyến đường đã có chủ trương đầu tư từ lâu nhưng chưa được triển khai đồng bộ, một số đoạn đã được làm, một số đoạn trùng với quy hoạch đường cao tốc và nhất là khả năng đấu nối giữa các tuyến của từng địa phương gặp nhiều khó khăn. Đến nay, Bộ đã nhận được kế hoạch đầu tư của cả 6 tỉnh thành, nhưng mỗi nơi lại có đề xuất khác nhau về quy mô, hướng tuyến, cơ chế cũng như nguồn vốn thực hiện. Trong khi đó, phải thống nhất được hướng tuyến, quy mô và quan trọng là đấu nối được với nhau thì mới phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, cuộc họp với sự thống nhất cao giữa các địa phương cùng với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng về hướng, tuyến cũng như thiết kế của từng tuyến đường phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và vai trò điều phối vùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vô cùng cần thiết.

Sau khi toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc ven biển được đầu tư hoàn thành đồng bộ và đưa vào khai thác sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh của cả khu vực; Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển; Tạo không gian phát triển và liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung; Tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với thiên tai và tăng cường củng cố quốc phòng an ninh khu vực; Tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là cầu nối quan trọng và tạo động lực phát triển toàn diện của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, góp phần thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ chế và hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cuộc họp là sự kiện có ý nghĩa lịch sử của toàn vùng và của cả đất nước, bởi các Bộ và các địa phương đã cùng bàn thảo, đồng tâm hiệp lực để thống nhất về nguồn lực và hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường đã có chủ trương từ lâu nhưng chưa thực hiện được một cách đồng bộ. Qua đó, kết nối được liên vùng với các bến cảng, sân bay ở Hải Phòng, Quảng Ninh tới các địa phương khác, giảm tải được cho Hà Nội và mở ra một không gian phát triển mới cho toàn vùng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước đây việc thực hiện quy hoạch, đầu tư theo tư duy, cách làm, cơ chế, nguồn lực cũ và đến nay cần phải xem lại và phải thay đổi. Theo đó, việc thiết kế giao thông không thể chỉ dựa vào hiện tại mà phải nghĩ đến không gian phát triển mới, theo dài hạn và có tầm nhìn xa hơn, đảm bảo đồng bộ và tránh lãng phí nguồn lực. Việc quy hoạch, phát triển mang tính toàn diện, toàn tuyến sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn là chỉ nghĩ đến lợi ích của từng địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với đồng chủ trì của ba Bộ trưởng và tham dự của lãnh đạo 6 tỉnh để trực tiếp trao đổi, thảo luận, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Đây là một cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực để cùng thống nhất hành động, qua đó cùng chia sẻ với nhau về tầm nhìn, cách thức để thực hiện vì lợi ích chung. Cuộc họp nhận được sự thống nhất cao giữa các địa phương cùng với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng về việc đầu tư, xây dựng tuyến đường này.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo Quyết định số 129/QĐ-TTg. Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và hướng đến năm 2030. Theo mục tiêu đề ra, tuyến đường này sẽ được hoàn thành trước năm 2020, để thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Tháng 6/2015, tại Công văn số 878/TTg-KTN Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với các đoạn tuyến trên địa bàn theo Quyết định số 129/QĐ-TTg; Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2226
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)