Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/03/2013-16:33:00 PM
Hội thảo kết quả tham vấn quốc gia Chương trình phát triển sau năm 2015
(MPI Portal) – Sáng ngày 20/3 tại Hà Nội, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo kết quả tham vấn quốc gia chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, đại diện các đối tác phát triển, đại diện các tổ chức phi Chính phủ trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan LHQ tại Việt Nam, trong một khoảng thời gian ngắn đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, được tiến hành ở nhiều nơi trên đất nước. Báo cáo hoàn thành đã đáp ứng được yêu cầu về thời gian. Tuy nhiên, báo cáo cũng cần được hoàn thiện thêm, bổ sung các ý kiến nhận xét, đánh giá và đóng góp của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước và các tổ chức quốc tế.
Hội thảo là kết quả của quá trình sau gần 3 tháng các cơ quan của LHQ tại Việt Nam thực hiện các tham vấn quốc gia nhằm đóng góp cho LHQ quyết định về một chương trình phát triển của thế giới sau năm 2015. Việt Nam đang cùng 189 quốc gia khác trên thế giới đang hướng về năm 2015 là mốc thời gian đánh dấu kết thúc quá trình thực hiện Cam kết Thiên niên kỷ và hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Sau hơn 10 năm thực hiện, Việt Nam bằng những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ và cách tiếp cận phù hợp đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực và giảm tỷ lệ nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn; cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2002, đang phấn đấu thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông; được ghi nhận không còn sự khác biệt về giới trong tiếp cận giáo dục và đứng ở vị trí khá cao về xếp hạng chỉ số bình đẳng giới của thế giới; nhiều chỉ số liên quan đến giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và cải thiện sức khỏe bà mẹ có xu hướng khả quan; hiện thành công chiến lược phòng chống HIV/AIDS, phấn đấu duy trì tỷ lệ lây nhiễm ở mức dưới 3%.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng. Đồng thời, mỗi mục tiêu Thiên niên kỷ cũng chứa đựng các thách thức nội tại cần phải giải quyết như mất cân bằng vùng miền, nhóm dân tộc; nhiều khía cạnh cụ thể của các mục tiêu cũng xuất hiện các vấn đề mới đòi hỏi cách tiếp cận mới và giải pháp mới như vấn đề nghèo đô thị, mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng đuối nước trẻ em, các hình thái ô nhiễm môi trường…
Với ý thức là không dừng lại vào năm 2015, LHQ đã tiến hành công tác chuẩn bị xây dựng một chương trình nghị sự phát triển của các quốc gia trên thế giới sau năm 2015, khi các mục tiêu Thiên niên kỷ hết thời hạn thực hiện. LHQ đã lựa chọn một số quốc gia, trong đó có Việt Nam để thực hiện các tham vấn quốc gia, tìm hiểu những thách thức và nguyện vọng của các nhóm tham vấn. Kết quả tham vấn quốc gia ở Việt Nam được xem là đóng góp quan trọng vào quá trình quyết định Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của LHQ.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Phát biểu tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết từ năm 2000, các quốc gia thành viên của LHQ đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ với cam kết đạt được các mục tiêu này vào năm 2015. Từ đó, thế giới đã trải qua những đổi thay như tỷ lệ nghèo đói giảm từ 43% xuống còn 22%, tỷ lệ học sinh nhập học đã tăng trung bình 89% và cơ hội đi học của trẻ em gái đã cân bằng với trẻ em trai, số trẻ em tử vong do bệnh tật đã giảm đi đáng kể, 40 quốc gia đang đạt được tốc độ phát triển con người nhanh, trong đó có Việt Nam và đến năm 2013 gần 80% tầng lớp trung lưu của thế giới sẽ sinh sống ở bán cầu Nam, chiếm 70% mức tiêu thụ của cả hành tinh.
Tuy nhiên, bất bình đẳng trên toàn thế giới đang gia tăng, bạo lực giới gần như trở thành nạn dịch, bạo lực gia đình nhiều hơn, gần 200 triệu người đang thất nghiệp, gần 600 triệu thanh niên không được đi học hoặc không được đào tạo, không có việc làm và không tìm kiếm việc làm, có nguy cơ bị loại vĩnh viễn ra khỏi thị trường lao động và bị gạt ra ngoài xã hội; các thảm họa thiên nhiên trên diện rộng đã hủy hoại cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người trên toàn thế giới. Trước bối cảnh đó, Tổng thư ký LHQ đã phát động tiến hành các cuộc tham vấn quốc gia, tham vấn chuyên đề và tiếp cận công chúng cởi mở với tất cả mọi người về những nội dung thay thế cho các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam cũng như các nước khác, người dân được tham vấn trực tiếp và các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách... đang đối thoại về các vấn đề từ quản trị đến y tế, bình đẳng, dân số và môi trường.

Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe đại diện của 8 nhómchia sẻ về những kếtquả tổng hợp từ 8 cuộc tham vấn bao gồm: người dân tộc thiểu số; người nghèo thành thị; người nghèo nông thôn; người khuyết tật; người sống chung với HIV/AIDS; thanh thiếu niên; người cao tuổi và khu vực tư nhân. Để đảm bảo phản ánh chân thực tiếng nói của người dân, báo cáo tổng hợp đã tập trung nhấn mạnh những điểm chung và những điểm riêng biệt. Báo cáo tổng hợp sẽ là thông tin đầu vào của LHQ tại Việt Nam cho báo cáo toàn cầu của LHQ về các ý tưởng cho khuôn khổ chương trình phát triển sau năm 2015.
Thông qua Hội thảo, các cơ quan của LHQ đã nhận được nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá bình luận đặc biệt là những đóng góp quý báu của đại diện các cơ quan liên quan để Báo cáo tham vấn quốc gia của Việt Nam về Chương trình phát triển sau 2015 được hoàn thiện hơn, phản ánh được bức tranh tổng thể và toàn diện của Việt Nam và đóng góp có hiệu quả vào sự quyết định của LHQ./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1115
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)