Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/03/2013-07:24:00 AM
Đối thoại chính sách cấp cao Chia sẻ tri thức Việt Nam – Hàn Quốc
(MPI Portal) - Nhằm chuẩn bị cho báo cáo tổng kết cuối cùng của Chương trình Chia sẻ tri thức với Hàn Quốc (KSP) giai đoạn 2012 – 2013 do Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc (MOSF) chịu trách nhiệm triển khai, sáng ngày 13/3, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đoàn đại biểu bao gồm các chuyên gia đến từ Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) đã cùng các cán bộ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiến hành cuộc đối thoại tư vấn chính sách cấp cao.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tiến sĩ Dae Hee Yoon, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc chủ trì buổi đối thoại. Tham gia đối thoại còn có GS.Sang Woo Nam, Hiệu trưởng Trường Quản lý và Chính sách công thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc, Quản đốc của Chương trình.
Chủ đề chính của buổi đối thoại xoay quanh 4 chuyên đề nghiên cứu chính trong Chương trình KSP với Việt Nam giai đoạn 2012 – 2013, bao gồm: Nâng cao hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc; Cơ chế thực hiện các dự án đô thị mới: cấp vốn cho các dự án đô thị mới; Thành lập Viện Khoa học và Công nghệ ở Việt Nam theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST); Dự báo cầu lao động giai đoạn 2011-2020 và thành lập Cơ quan Thông tin việc làm tại Việt Nam.

Tiến sĩ Dae Hee Yoon, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc tại buổi hội đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Trong quá trình phát triển kinh tế, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả của quản lý đầu tư công để tiếp tục tăng trưởng kinh tế hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách quản lý đầu tư công trong thập kỷ qua. Từ những nghiên cứu từ phía Hàn Quốc thông qua Chương trình KSP, các kết quả nghiên cứu đã được đúc kết nhằm đưa ra các khuyến nghị từ kinh nghiệm của Hàn Quốc nhằm giúp Việt Nam đạt được thành công trong quá trình tái cơ cấu này. Theo các đánh giá của chuyên gia Hàn Quốc, quản lý đầu tư công của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hệ thống đánh giá đầu tư công và thiếu sự kết nối giữa quản lý đầu tư công và quản lý tài chính công. Về vấn đề pháp lý, việc thiếu các khung khổ dưới luật hoặc các cơ chế cụ thể vẫn gây ra những khác biệt không thể tránh khỏi giữa các khung khổ pháp lý và việc thực hiện trên thực tế đánh giá theo các chu kỳ dự án công. Cần có một hệ thống đánh giá thống nhất vận hành thỏa đáng theo các chu kỳ dự án. Trong khi hệ thống đánh giá trước khi thực hiện dự án đã và đang vận hành trong thực tế thì các hệ thống đánh giá trong và sau khi thực hiện dự án lại không vận hành thỏa đáng. Vì vậy, mặc dù dự án đầu tư thực sự không hiệu quả nhưng không có cơ chế phát hiện và phản hồi trở lại với quyết định ngân sách trong hệ thống đánh giá sau khi thực hiện dự án.
Với những bất cập như vậy, Hàn Quốc đề xuất Việt Nam nên tăng cường cơ chế quản lý trung gian như thực hiện cơ chế đánh giá giữa kỳ và đồng thời việc đánh giá sau khi thực hiện dự án cũng cần được thực hiện chi tiết hơn và mang tính bắt buộc. Điều này nhằm thiết lập một hệ thống đánh giá hiệu quả và bền vững xét về tổng thể, và đảm bảo sự kết nối đối với các quyết định ngân sách. Cũng liên quan đến vấn đề pháp lý, Việt Nam cần tăng cường chức năng trung tâm của quản lý đầu tư công và đảm bảo chức năng độc lập của cơ chế quản lý này nhằm nâng cao tính minh bạch và khách quan của quản lý đầu tư công. Không giống với trường hợp của các nước phát triển, chỉ quan tâm đến tính độc lập của việc đánh giá dự án mà không quan trọng cơ quan nào đảm trách đánh giá, đối với trường hợp Việt Nam, Hàn Quốc đề xuất rằng Việt Nam nên thành lập một cơ quan thường trực trung ương chịu trách nhiệm về quản lý đầu tư công thuộc Văn phòng Chính phủ hoặc cơ quan ra quyết định ngân sách nhằm nâng cao tính nhát quán và độc lập của công tác đánh giá và Chính phủ cần ban hành quy định yêu cầu đánh giá độc lập. Với việc phân cấp vai trò đánh giá, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo quy trình đánh giá cửa ngõ của Anh. Về khía cạnh kỹ thuật, phía Hàn Quốc đề xuất rằng VIệt Nam nên đưa ra một tập hợp các hướng dẫn vận hành, các hướng dẫn chung và các hướng dẫn cụ thể theo ngành/lĩnh vực chi tiết.

Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Đối thoại cũng quan tâm đến phát triển đô thị với các cơ chế cấp vốn cho dự án đô thị mới. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, nước này đã áp dụng 4 mô hình tài chính hiệu quả: cấp vốn từ ngân sách và thành lập các công ty phục vụ cho các mục đích đặc biệt, cơ chế này được thiết lập ngay sau khủng hoảng kinh tế châu Á. Quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) được xem như một dạng quỹ tương hỗ có khả năng tạo ra luồng tài chính tiềm năng cho thị trường bất động sản. Một cơ chế khác là cơ chế trao đổi đất, mới được nội các Hàn Quốc phê chuẩn vào tháng 12/2012. Theo đó, cho phép chủ sở hữu coi đất đai là phần góp vốn vào các dự án đầu tư, dưới hình thức này, chủ sở hữu vừa đóng góp cho các dự án phát triển đô thị của quốc gia, vừa được hưởng lợi từ các dự án này khi đưa vào sử dụng. Hình thức cuối cùng hiện vẫn chưa được sử dụng tại Việt Nam là hình thức cho vay thế chấp bất động sản và chứng khoán hóa các khoản vay này. Một cơ chế được xem là hấp dẫn đối với thị trường tài chính toàn cầu và trong nước cũng như cung cấp nguồn vốn cần thiết cho nhu cầu đầu tư ngày càng tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam là hình thức hợp tác công tư (PPP). Thông qua hình thức này, khu vực tư nhân có thể tham gia chia sẻ lợi ích và rủi ro với Nhà nước trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trước giờ vẫn được xem là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Nhà nước.
Một vấn đề khác cũng được đề cập tới trong buổi đối thoại là về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo mô hình Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Theo mô hình hiệu quả của Viện KIST, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần làm rõ mục đích của mình hơn nữa để nâng cao tính năng học thuật hay đáp ứng các nhu cầu về ngành đối với phát triển công nghệ để đảm bảo nhu cầu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Sứ mệnh chính của Viện KH&CN là phát triển công nghệ ngành và thương mại hóa ở thị trường trong nước và xuất khẩu, với tính tự chủ của đội ngũ nhân tài VIệt nam chất lượng cao ở trong nước và nước ngoài, đây là nguyên tắc quản lý trung tâm. Mục đích này sẽ được thực hiện trên cơ sở pháp lý nhất định để nâng cao môi trường hợp tác giữa các doanh nghiệp và viện nghiên cứu.
Vấn đề dự báo nhu cầu lao động và việc làm giai đoạn 2011-2020 được đề cập tới thông qua các số liệu dự báo của Việt Nam. Những bất cập trong dự báo cầu và cung lao động của VIệt Nam trước hết là ở số liệu của Việt Nam không có các số liệu điều tra vi mô, tức là một cuộc điều tra về cá nhân con người. Thêm vào đó, số liệu hiện có của Việt Nam để phục vụ dự báo lao động là số liệu tổng hợp từ hai cuộc tổng điều tra năm 2009 và 2011. Điều đó có nghĩa là những số liệu này không nhất quán ở chừng mực nhất định để phục vụ công tác dự báo do đặc trưng của số liệu tổng hợp. Do vậy, hàng năm cần tiến hành một cuộc điều tra lực lượng lao động của Việt Nam để bảo đảm dự báo chính xác giống như các nước khác đã làm để phục vụ công tác dự báo. Điều tra tại Việt Nam cho thấy có rất nhiều các trung tâm việc làm ở khắp cả nước nhưng không có một đầu mối trung ương chịu trách nhiệm toàn quốc về việc làm. Do vậy, giống như Hàn Quốc, Việt Nam cần thành lập một cơ quan trung ương có chức năng về quản lý toàn quốc về việc làm và đảm nhiệm mạng lưới về bảo hiểm việc làm và thất nghiệp trên toàn quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Trong buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đã nhấn mạnh những vấn đề chính mà Việt Nam đặc biệt quan tâm kêu gọi sự trợ giúp kinh nghiệm của Hàn Quốc bao gồm phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế biển và lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020. Đây là những vấn đề trọng yếu mà Việt Nam mong muốn học tập từ những kinh nghiệm chính sách của Hàn Quốc.
Đáp lại Thứ trưởng, Tiến sĩ Dae Hee Yoon, Nguyên Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc, cam kết sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của Việt Nam. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng những kinh nghiệm mà Hàn Quốc chia sẻ sẽ được xem xét, chiêm nghiệm và áp dụng trong các trường hợp cụ thể của Việt Nam./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1260
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)