Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/04/2017-09:09:00 AM
Thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI
(MPI) – Ngày 12/4/2017, tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Liên đoàn các Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) phối hợp tổ chức Tọa đàm Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng tại Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao và cảm ơn Keidanren trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế nói chung, đầu tư nói riêng giữa Nhật Bản và Việt Nam như các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là việc cùng phối hợp triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển tốt đẹp. Trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Nhật Bản là đối tác FDI thứ 2, đối tác du lịch thứ 3 và đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản đã có hơn 3.355 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 42,5 tỷ USD và đang nổi lên là đối tác Mua bán – Sáp nhập (M&A) lớn nhất của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua, Nhật Hoàng Akihiro đã có chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Việt Nam, đây là dấu mốc mang tính biểu tượng giúp nâng tầm quan hệ hợp tác hai nước sâu sắc hơn, dựa trên việc chia sẻ những lợi ích và tầm nhìn chiến lược.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp Nhật Bản luôn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật, tôn trọng văn hóa bản địa khi triển khai đầu tư và hầu hết các dự án đang hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ vốn giải ngân cao, đời sống người lao động được đảm bảo, ổn định. Qua đó, có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản chính là nhà Ngoại giao kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất, hiệu quả trong thời gian qua.

Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở, quy mô GDP trên 220 tỷ USD với kim ngạch thương mại hơn 1,6 lần quy mô GDP, thu hút trên 300 tỷ USD vốn FDI đăng ký và đã giải ngân hơn 158 tỷ USD.

Mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng GPD bình quân 6,5 - 7%/năm, theo hướng nâng cao phát triển bền vững, ổn định, xanh - sạch với ba động lực chính là xuất khẩu, mở rộng đầu tư và phát triển thị trường nội địa. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là động lực để phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện kiên định, quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút mọi nguồn lực, sáng tạo phát triển kinh tế theo hướng đơn giản hóa thủ tục và minh bạch phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đạt chuẩn của các nước ASEAN 4 trong năm 2017.

Về phát triển hạ tầng, Nhật Bản là đối tác ODA song phương lớn nhất của Việt Nam, nhiều công trình hạ tầng giao thông là biểu tượng cho quan hệ hợp tác hai nước cũng như là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đang được khai thác có hiệu quả như sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, Cảng biển Cái Mép - Thị Vải... hay một số dự án đang được triển khai như: Cảng cửa ngõ Lạch Huyện, đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên... Các nhà thầu Nhật Bản luôn được đánh giá cao về uy tín, chất lượng, tiến độ.

Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với quan điểm phát triển giao thông đi trước, hệ thống giao thông hiện đại sẽ là động lực, có vai trò đầu kéo, xung lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam khoảng 48 tỷ USD (đường bộ 30 tỷ USD, đường sắt 5,5 tỷ USD, hàng không 4,5 tỷ USD, hàng hải 3 tỷ USD, đường thủy nội địa 1,5 tỷ USD ...). Trong đó, khoảng 14 tỷ USD sẽ huy động từ nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài trong một số dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển trung chuyển Vân Phong... và các dự án môi trường. Doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia đầu tư thông qua các hình thức đối tác công - tư (PPP), thành lập liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài, tham gia M&A tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, BOT, BT...

Trong đó, phát triển mô hình PPP trong phát triển hạ tầng được coi là mô hình phù hợp để Việt Nam thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Khuôn khổ pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP đã được hình thành, tạo tiền đề mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài tham gia với tỷ lệ góp vốn linh hoạt và cơ chế thông thoáng. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ công bố danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP có kèm theo phương án chuẩn bị nguồn vốn đối ứng của Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư trong các lĩnh vực như: phát triển hạ tầng, môi trường, logistics... Việt Nam mong muốn và kêu gọi các quỹ đầu tư, các tập đoàn từ Nhật Bản tiến hành nghiên cứu, đầu tư vào các dự án nêu trên hoặc đề xuất dự án mới phù hợp.

Về Lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản cũng là đối tác nước ngoài tham gia nhiều nhất vào các dự án năng lượng tại Việt Nam khi là đối tác chính trong Liên doanh phát triển dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đưa vào vận hành thương mại vào cuối năm 2017. Đồng thời, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang tham gia vào 7 dự án phát triển các Nhà máy nhiệt điện với tổng công suất khoảng 9.400 MW trong các giai đoạn triển khai khác nhau có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 17,2 tỷ USD.

Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, với chủ chương dừng đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ bổ sung các phương án nguồn điện thay thế và đặc biệt chú trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nâng tỷ lệ năng lượng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo lên mức 7% vào năm 2020 và 10% vào năm 2030 khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) hàng đầu khu vực.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng sản xuất lượng điện gió lên 2,5 tỷ kWh đến năm 2020 và 16 tỷ kWh vào năm 2030 từ con số không đáng kể hiện nay, qua đó nâng tỷ lệ điện năng sản xuất từ điện gió lên 1% năm 2020 và 2,7% năm 2030. Trước mắt ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên mặt đất, tiến tới các nguồn điện gió ngoài khơi và thềm lục địa trong dài hạn. Về điện mặt trời, Việt Nam sẽ nâng mục tiêu sản xuất điện lên 1,4 tỷ kWh vào năm 2020 và 35,4 tỷ kWh vào năm 2030, qua đó, nâng tỷ lệ điện năng sản xuất từ điện mặt trời lên 0,5% năm 2020 và 6% vào năm 2030.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực giải phóng những nút thắt về thể chế, đặc biệt vấn đề giá thu mua điện năng lượng tái tạo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường, bảo đảm lợi ích kinh tế hợp lý cho nhà đầu tư, góp phần thu hút các doanh nghiệp vào phát triển các dự án năng lượng tái tạo; Đang xem xét và sẽ sớm phê duyệt nội dung điều chỉnh về cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam, khi được phê duyệt chính sách này sẽ là cú hích quan trọng thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng điện gió trong thời gian tới.

Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện theo hình theo BOT, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cũng như vấn đề bảo lãnh ngoại tệ khi thanh toán căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn để rút ngắn thời gian đàm phán, bảo đảm quyền lợi hợp lý cho nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án. Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản ngoài đầu tư theo hình thức BOT vào các dự án nhiệt điện, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo rất tiềm năng tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Keidanren tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng như triển khai có hiệu quả Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, nông nghiệp hiện đại, sinh học, công nghệ thông tin, y dược, dịch vụ - du lịch chất lượng cao, tài chính - ngân hàng, đầu tư thông qua các dự án M&A và tham gia vào hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành và địa phương Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản triển khai những dự án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định, lâu dài tại Việt Nam trên tinh thần hai bên cùng có lợi./.

Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1887
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)