(MPI) – Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục phục hồi, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Với những cải thiện mạnh mẽ về chính sách liên quan đến cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện trong năm 2016 và 2017 sẽ phát huy hiệu quả nhiều hơn trong năm 2017, kỳ vọng trong thời gian tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mức độ gia nhập thị trường và gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế sẽ tăng mạnh hơn so với năm 2016.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng đề ra. Những thách thức từ bên ngoài do bất ổn địa chính trị năm 2016, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề chính trị hóa vốn đầu tư của Mỹ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam; Những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của nước này;…
Trong khi đó, tăng trưởng trong nước cũng gặp nhiều thách thức. Động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam như vốn, xuất khẩu và dựa vào khu vực công nghiệp đã không còn nhiều dư địa như những năm trước. Trong năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài có khả năng tăng chậm lại, những lĩnh vực phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như: công nghiệp chế biến chế tạo hay xuất khẩu sẽ chịu tác động đầu tiên. Với việc chậm xóa bỏ rào cản trong sản xuất như “chi phí không chính thức”, “tính năng động của chính quyền”, “tiếp cận đất đai” và “cạnh tranh bình đẳng” sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sức ép lạm phát đang gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới, sự điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và biến động tài chính tiền tệ. Áp lực tăng tỷ giá và lãi suất có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước và những phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán và nguy cơ tăng lạm phát. Thu ngân sách sẽ ngày càng khó khăn do thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục giảm theo lộ trình cũng như thực hiện các cam kết cắt giảm thuế. Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu nên nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn chưa vững chắc cũng sẽ gây áp lực đến tiến trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian tới.
Tình hình kinh tế trong nước quý II được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc khi môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện, qua đó thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý II và những tháng cuối năm được dự báo sẽ được đẩy mạnh hơn so với quý I do bước vào chu kỳ sản xuất hằng năm, từ đó kích thích khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng nhanh hơn.
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, khó có thể đạt mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, công nghiệp khai khoáng suy giảm vẫn đang tồn tại như là nút thắt kéo theo mức giảm của tăng trưởng chung trong khi các ngành công nghiệp còn lại chưa có nhiều bứt phá. Trong trường hợp giá dầu thô tiếp tục phục hồi trong thời gian tới, kéo theo sự tăng giá các nguyên liệu đầu vào thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ còn khó khăn hơn.
Về kiểm soát lạm phát, sức ép lạm phát đang gia tăng do chịu áp lực từ giá cả thế giới. Trong nước, giá cả một số hàng hóa và dịch vụ cơ bản (giá xăng, lương thực thực phẩm, giá dịch vụ y tế, giáo dục) đều được điều chỉnh tăng, bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá và lãi suất có thể đẩy nguy cơ tăng giá. Theo đó, CPI bình quân được dự báo ở mức khoảng 4,7% trong quý II.
Về kim ngạch xuất nhập khẩu, dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu quý II đạt tương ứng là gần 48 tỷ USD và 49 tỷ USD, cả năm 2017 là 195,3 tỷ USD và 200,5 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 5,2 tỷ USD. Các nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong quyết định đầu tư sau khi Mỹ tuyên bố không thông qua TPP, tuy nhiên nhiều cơ hội hợp tác đầu tư nhờ 16 hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán. Dự báo FDI giải ngân quý II đạt gần 4 tỷ USD và cả năm 2017 đạt khoảng 16 tỷ USD.
Để tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, theo dự báo, trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu; Thực hiện tốt kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả hàng hoá thế giới biến động khó lường; Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; Đồng thời, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi thường xuyên, để giảm bội chi ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ; Tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh; Khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư