Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 10, ngày 18/4/2017, Hội nghị được nghe ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận về sự hỗ trợ và hợp tác giữa Chính phủ với khu vực hợp tác xã (HTX) để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, cả nước có 19.216 HTX, chỉ tăng khoảng 0,9% so với năm 2013, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 56,5%). Thực tế đóng góp của HTX cho thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ đóng góp của HTX trong tổng GDP cả nước là 2,2% (năm 2016). Do vậy, rất cần phát triển HTX để tăng cường sự phối hợp giữa các hộ gia đình, tăng tích tụ ruộng đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Thực tế cho thấy, những vùng có quy mô diện tích đất nông nghiệp nhỏ thì nơi đó HTX phát triển mạnh hơn.
Phát triển HTX sẽ góp phần thực hiện mục tiêu về xã hội của phát triển bền vững, tạo sức mạnh cho nhóm yếu thế thông qua việc hình thành liên kết ngang và liên kết dọc. Quy mô hộ nông thôn ở Việt Nam ngày càng có xu hướng nhỏ đi, năm 2016 là 3,6 nhân khẩu/hộ và lực lượng lao động ở nông thôn hầu hết là người lớn tuổi. Do vậy, cần phát triển HTX để tăng tính liên kết giữa các hộ dân, giữa những cá thể đơn lẻ trong xã hội để cùng phát triển, đồng thời trở thành đầu mối đại diện cho nông dân ký kết, hợp tác với khu vực doanh nghiệp thiết lập chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững hơn.
Về mục tiêu môi trường, hiện nay một số địa phương đã hình thành các HTX chuyên thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh công cộng. Năm 2015, trên cả nước có 319 HTX hoạt động trong lĩnh vực môi trường, bước đầu có những đóng góp, tuy nhiên còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang trở thành nỗi lo ngại của các nước, thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra cho Việt Nam trong những năm gần đây trung bình khoảng 12,1 nghìn tỷ đồng/năm. Vì thế, rất cần phát triển HTX để các hộ dân hỗ trợ lẫn nhau trong việc thích ứng, đối phó với thiên tai cả về vật chất và tinh thần.
Theo đó, một trong những hỗ trợ quan trọng của Chính phủ cho khu vực HTX là tạo hành lang pháp lý. Việt Nam đã sớm xây dựng riêng luật cho khu vực HTX năm 1996, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định có liên quan đến HTX, cùng với các văn bản của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Phần lớn các văn bản chính sách hiện nay đều khuyến khích hình thành và phát triển khu vực HTX.
Mặt khác, Chính phủ và chính quyền địa phương sử dụng kinh phí dưới nhiều hình thức để hỗ trợ khu vực HTX, bao gồm hỗ trợ thành lập mới và hỗ trợ phát triển. Trong giai đoạn 2013-2016, 5.038 HTX được hỗ trợ thành lập mới với tổng kinh phí khoảng 39,681 tỷ đồng, trung bình khoảng 7,8 triệu/HTX và hơn 3 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển các HTX, trung bình khoảng 39,5 triệu đồng/HTX/năm.
Tham luận cũng nêu lên một số ý kiến cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ cho khu vực HTX hiện nay còn nhiều thiên lệch, cụ thể: Còn xem HTX vận hành như một loại hình doanh nghiệp; Chú trọng hơn cho mục tiêu kinh tế và chưa đề cập rõ đến các mục tiêu xã hội, văn hóa, môi trường; Còn chú trọng cho giai đoạn HTX đi vào hoạt động hơn giai đoạn hình thành. Đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác giữa Chính phủ và khu vực HTX như: Cần điều chỉnh lại quan niệm về HTX để phát triển đồng bộ hơn, cần làm rõ cả vai trò về mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường; Cần điều chỉnh lại Luật hợp tác xã để các thủ tục thành lập HTX thuận lợi hơn, cơ cấu tổ chức của HTX đơn giản hơn, phù hợp với sự hiểu biết và năng lực của người nông dân; Hỗ trợ của Chính phủ cần tập trung nhiều hơn cho các HTX hình thành mới, các HTX hoạt động vì mục tiêu xã hội và môi trường và cho giai đoạn hình thành HTX./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư