Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/10/2013-16:27:00 PM
Một số kết quả và hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá “tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản tại một số doanh nghiệp nhà nước đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong xã hội”. Cụ thể:
Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN
Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06-12-2012 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2012-2016; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, tổ chức thực hiện Luật PCTN (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và các nghị định hướng dẫn thi hành; chỉ đạo việc nghiên cứu, trình Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; triển khai thực hiện quyết liệt Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công chức, công vụ; chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; định kỳ đánh giá tình hình, kết quả công tác và chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp PCTN thuộc phạm vi trách nhiệm của Chính phủ.

Ban tổ chức Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 đã trao giải cho 24 đề án xuất sắc nhất

Chính phủ đang rà soát để ban hành Nghị định (sửa đổi) về chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và một số nghị định khác có liên quan. Việc nghiên cứu, dự thảo Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhận, nộp lại quà tặng và quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng đang được Chính phủ khẩn trương thực hiện.
Về tổ chức, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng
Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, chuyển hồ sơ một số nội dung để cơ quan điều tra xử lý. Bộ Công an đã thụ lý, điều tra 24 vụ án/135 bị can, trong đó khởi tố mới 5 vụ/25 bị can; kết luận điều tra 08 vụ/51 bị can; đình chỉ điều tra 01 vụ; chuyển công an địa phương điều tra theo thẩm quyền 02 vụ/03 bị can; hiện đang điều tra 12 vụ/80 bị can. Đã thu hồi trên 329 tỷ đồng cho Nhà nước.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý kiểm sát điều tra 31 vụ/149 bị can; đã giải quyết 07 vụ/28 bị can; đang giải quyết 24 vụ/121 bị can.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, xây dựng kế hoạch cải cách hành chính cho cả giai đoạn và năm 2013; kiện toàn công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhân rộng mô hình một cửa điện tử. Việc cải cách chế độ công vụ, công chức đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức, hệ thống tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý; thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với công tác đánh giá để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công khai, minh bạch, cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dư luận xã hội quan tâm.
Việc rà soát, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, định mức về sử dụng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, nhà ở công vụ của cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.588 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và 1.351 văn bản được huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người.
Thực hiện kê khai tài sản, thu nhập năm 2012, cả nước đã có 113.436 người kê khai lần đầu/115.883 người phải kê khai (đạt 97,9%); 519.320 người kê khai bổ sung/526.632 người phải kê khai bổ sung (đạt 98,6%); có 376.197 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác; có 03 trường hợp qua xác minh đã kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo.
Việc chuyển đổi vị trí công tác đã được thực hiện trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức.
Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó, có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).
Về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
Ngành thanh tra đã triển khai 4.474 cuộc thanh tra hành chính và 131.749 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 287.325 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.639,6 tỷ đồng, 1.438 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 5.053,5 tỷ đồng và 1.374 ha đất (đã thu hồi 2.390 tỷ đồng, 18,2 ha đất); xử phạt vi phạm hành chính 324,7 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.379,8 tỷ đồng, 51 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 550 tập thể, 1.051 cá nhân; ban hành 153.457 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 50 vụ, 52 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.370 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra; kết quả thu hồi đạt 43,2% (so với năm 2012 tăng 7,47%); đôn đốc xử lý hành chính 202 tổ chức, 469 cá nhân.
Cơ quan hành chính các cấp đã giải quyết 40.206/47.060 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,44% (tăng 1,14% so với năm 2012). Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 225,475 tỷ đồng, 40,3 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 115,550 tỷ đồng; trả lại quyền lợi cho 3.739 người, kiến nghị xử lý hành chính 537 người (đã xử lý 275 người); chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 50 vụ việc với 84 đối tượng.
Kết quả kiểm toán năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 14.710,8 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2.184,3 tỷ đồng; giảm chi NSNN 2.308 tỷ đồng; giảm chi không thuộc NSNN 150,9 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.858 tỷ đồng; các khoản xử lý khác 251,8 tỷ đồng; kiến nghị các cấp, các ngành rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 78 văn bản không phù hợp; đã kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý đối với 27 cá nhân; chuyển 07 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật đã đạt được những kết quả nhất định; những vụ án có dấu hiệu tham nhũng do cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển sang cơ bản được khởi tố, điều tra và xử lý. Viện kiểm sát nhân dân các cấp cũng đã phối hợp với cơ quan Điều tra để làm tốt công tác kiểm sát việc xác minh, xử lý tin báo, tố giác tội phạm. Qua đó, đã góp phần hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; một số vụ án phức tạp, án điểm đã được các cơ quan tư pháp họp liên ngành để thống nhất về tội danh, hướng xử lý.
Về phát hiện và xử lý tham nhũng
Trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng là những ngành phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng; đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 07 vụ, 06 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ, 202 bị can so với cùng kỳ năm 2012); đã đình chỉ điều tra trong giai đoạn tố tụng 19 vụ, 30 bị can.
Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).
Một số hạn chế:
Chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với nhiều vị trí công tác chưa được minh bạch, rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.
Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm.
Hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN còn hạn chế; vai trò của xã hội trong công tác PCTN chưa được phát huy đầy đủ. Công tác giám sát, kiểm tra, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên; công tác kiểm toán, thanh tra, điều tra hiệu quả chưa cao; việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, còn có biểu hiện nương nhẹ.
Vẫn còn tình trạng lợi dụng các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật hành chính hoặc áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt dưới khung hình phạt hoặc hưởng án treo, phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.
Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm, nhất là các vụ án tham nhũng có nội dung phức tạp; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế:
Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý, chưa đủ mạnh.
Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng cuối năm 2013 và năm 2014 của Chính phủ:
Để ngăn ngừa, từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ dự kiến tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTN năm 2012 và các văn bản có liên quan (Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN, Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao); Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06-12-2012 của Chính phủ về công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2012-2016…
Tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về PCTN theo Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết số 82/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.
Tổ chức Hội nghị đối thoại PCTN lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN”. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chị thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; tiếp tục mở rộng các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về PCTN nhằm tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN./.
Nguyễn Uyên Minh
Ban Nội chính Trung ương

    Tổng số lượt xem: 3239
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)