Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/04/2017-17:20:00 PM
Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách
(MPI) – Ngày 28/4/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách.

Tại Hội thảo, đại diện CIEM đã trình bày Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I năm 2017. Báo cáo được thực hiện với các mục tiêu cập nhật, phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô quý I và đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô quý II, cả năm 2017. Đồng thời, phân tích một số vấn đề kinh tế nổi bật, từ đó đưa ra kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế bao gồm cả thể chế kinh tế và giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2017.

Theo Báo cáo, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn kinh tế nhiều biến động. Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi, kể cả đảo chiều chính sách đột ngột ở một số nền kinh tế chủ chốt. Sự cọ xát giữa một số nước lớn có xu hướng phức tạp hơn và không bó hẹp ở lĩnh vực kinh tế - thương mại. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chững lại. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký hoặc đang tham gia đàm phán không có nhiều chuyển biến.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang cân bằng yêu cầu điều hành kinh tế - xã hội có tính ngắn hạn hơn và các định hướng cải cách thể chế kinh tế trong trung và dài hạn. Các định hướng lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được thông qua vào cuối năm 2016 đã được phổ biến, song còn chậm được cụ thể hóa. Ưu tiên cải cách và điều hành còn khá tham vọng, song độ phủ trên nhiều lĩnh vực phần nào làm giảm tính trọng tâm, hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp đề ra. Khu vực tư nhân - một chủ thể quan trọng của nền kinh tế vẫn chưa thực sự được tạo điều kiện kịp thời để phát triển.

Năm 2016 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ mới, tư duy về xây dựng Nhà nước kiến tạo đã được chuyển thành những thay đổi trong phương thức điều hành kinh tế vĩ mô, nhấn mạnh đến tăng trưởng thực chất, bền vững, không đánh đổi bằng những thành tích ngắn hạn. Chú trọng nhiều hơn đến các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khung khổ pháp lý điều hành phát triển kinh tế- xã hội vẫn theo hướng truyền thống, số lượng các văn bản điều hành là rất nhiều, nhưng về bản chất là những quyết định hành chính mang tính cá biệt; Mục tiêu điều hành tổng quát thường bao gồm những nội dung tương tự như chức năng nhiệm vụ của Chính phủ; Chỉ tiêu được đưa ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm thiên về số lượng và đầu vào, ít chỉ tiêu phản ánh chất lượng đầu ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực, chất lượng dịch vụ, chất lượng sống của người dân;…

Từ những thực trạng nêu trên và để đạt mục tiêu đề ra, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng, tăng thịnh vượng và phúc lợi xã hội. Tạo hệ thống động lực, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực người dân và bảo đảm điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, thay đổi cách thức làm việc/thực thi, chuyển dần từ ban hành nghị quyết theo hướng điều hành sang các nghị quyết mang tính chuyên đề; Thay đổi hệ thống chỉ tiêu hướng đến chỉ tiêu chất lượng; Điều hành gắn chặt hơn vào cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chất lượng, dịch vụ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ở cấp địa phương; Xây dựng khuôn khổ thể chế cần thiết cho quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước, tăng cường sự minh bạch và tính giải trình.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận một số kiến nghị liên quan đến cải cách nền tảng kinh tế vi mô và chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả, tiền lương, chính sách FDI./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3508
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)