Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/05/2017-09:11:00 AM
Hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với doanh nghiệp xã hội
(MPI) - Nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các cơ quan đăng ký kinh doanh hiểu rõ hơn về việc thành lập, đăng ký, quản trị và hoạt động của doanh nghiệp xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam xây dựng cuốn sách Cẩm nang Hướng dẫn hoạt động doanh nghiệp xã hội. Để hoàn thiện cuốn sách này, CIEM đã tổ chức Tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý dự thảo Cẩm nang hướng dẫn hoạt động doanh nghiệp xã hội”.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Thời gian vừa qua, để công nhận và tôn vinh vai trò của các tổ chức hoạt động vì mục tiêu xã hội cũng như tạo cơ sở pháp lý để xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh vì mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội - môi trường, Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 26/11/2014 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên ở Việt Nam chính thức thừa nhận về pháp lý đối với mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH). Nhìn chung, cho đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc thành lập và hoạt động của DNXH đã được ban hành tương đối đầy đủ.

Theo Dự thảo, DNXH là một tổ chức kinh tế được thành lập nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội thông qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh. Theo quy định tại Luật doanh nghiệp, DNXH trước hết phải là doanh nghiệp, có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập và nhằm mục đích kinh doanh. Thứ hai, để được coi là DNXH thì doanh nghiệp phải có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Đây là một tiêu chí rất quan trọng phân biệt về mặt bản chất giữa DNXH và doanh nghiệp thông thường. Tiêu chí thứ ba, đối với DNXH là quy định trong việc phân bổ lợi nhuận. Khác với doanh nghiệp thông thường, DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư cho mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Một số các quy định khác nhằm đảm bảo tài sản của DNXH là các khoản viện trợ, tài trợ mà DNXH được nhận phải phục vụ lợi ích cộng đồng theo mục tiêu đã đăng ký như: Quy định về Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội môi trường; Quy định về tiếp nhận viện trợ, tài trợ và báo cáo thực hiện Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường khi tiếp nhận viện trợ, tài trợ; Quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; Quy định về tổ chức lại của doanh nghiệp.

Mục tiêu cuối cùng của DNXH là giải quyết vấn đề xã hội, môi trường. Doanh nghiệp phải thể hiện mục tiêu này thông qua Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường. Đây chính là điểm khác biệt về mặt thủ tục giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường. Việc xây dựng bản Cam kết thực hiện mục tiêu xã hội môi trường không chỉ có ý nghĩa thể hiện cam kết của DNXH khi thành lập doanh nghiệp hoặc chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức DNXH đối với đối tác, khách hàng và xã hội.

Trình tự, thủ tục việc tiếp nhận viện trợ, tài trợ của tổ chức cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam cũng được hướng dẫn chi tiết trong Phần II của Dự thảo.

Dự thảo bao gồm 3 phần chính: Tổng quan khung khổ pháp luật về DNXH; Hướng dẫn thành lập và hoạt động DNXH; Hướng dẫn DNXH đăng ký một số chính sách khuyến khích và 2 Phụ lục (Danh mục các biểu mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký kinh doanh và Một số chỉ tiêu tham khảo trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động xã hội, môi trường).

Tại Tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, cuốn Cẩm nang này có ý nghĩa thiết thực và rất hữu ích cho các doanh nghiệp, tổ chức. Nhóm nghiên cứu nên phân tích sâu hơn về quá trình vận hành của DNXH, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi của DNXH. Bên cạnh đó, vấn đề về viện trợ và tài trợ cũng nên đưa vào cuốn Cẩm nang do hiện nay rất nhiều nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài muốn tài trợ các DNXH tại Việt Nam nhưng gặp nhiều vướng mắc bởi các quy định pháp lý không rõ ràng./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2211
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)