Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/05/2017-13:20:00 PM
Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Ảnh minh họa: Nguồn: MPI
(MPI) - Ngày 10/5/2017, tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu mà Hội nghị đã đạt được, trong đó có vấn đề cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, tại Hội nghị thống nhất doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối đã nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, không ngừng đổi mới, đạt được nhiều kết quả. Cùng với chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là nguồn thu lớn của ngân sách Nhà nước, đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp Nhà nước thực sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế Nhà nước, là lực lượng quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp mới, có tính đột phá vừa được Trung ương nhất trí cao.

Cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Thực hiện công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chủ yếu thông qua thị trường chứng khoán việc thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn Nhà nước hoặc không cần tham gia đầu tư để tập trung vốn cho đầu tư phát triển các công trình, dự án quan trọng thuộc những lĩnh vực thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Tập trung xử lý các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.

Đồng thời, cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước giao được triển khai theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, lựa chọn cạnh tranh, công khai, xác định rõ giá thành, chi phí thực hiện, trách nhiệm và quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm không làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang được giao quản lý, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, khi cổ phần hoá, Nhà nước kiểm soát theo nguyên tắc: Nhà nước thống nhất sở hữu các công trình hạ tầng quan trọng, doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà đầu tư nhận quyền khai thác chỉ được quyền quản lý, vận hành, khai thác các công trình, dự án kết cấu hạ tầng.

Việc lựa chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật đấu thầu, công khai, minh bạch. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp nói chung với chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như với chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và Nhà nước về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Ban kiểm soát, kiểm soát viên phải thực sự là công cụ giám sát hữu hiệu của chủ sở hữu, hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối về lợi ích của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành của doanh nghiệp. Tổng Giám đốc và các thành viên ban điều hành của doanh nghiệp Nhà nước do hội đồng thành viên, hội đồng quản trị bổ nhiệm và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động.

Hoàn thiện các hệ thống khuyến khích, đòn bẩy kinh tế đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương đối với lãnh đạo, quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí việc làm khác trong doanh nghiệp Nhà nước./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3265
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)