Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC ngày 4/5. (Nguồn: AFP/TTXVN) Ngày 12/5, các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhóm họp tại thành phố cảng Bari ở miền Nam Italy nhằm tìm kiếm quan điểm chung trong vấn đề thương mại.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh gia tăng quan ngại về chiến lược kinh tế "Nước Mỹ trên hết" mà chính phủ của Tổng thống Donald Trump chủ trương theo đuổi.
Các đối tác của Mỹ trong G7 lo ngại việc Tổng thống Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ có thể báo hiệu kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici bày tỏ hy vọng chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nằm trong khung quy tắc quốc tế, trong đó chủ yếu là các quy định thương mại toàn cầu tự do.
Ông nhấn mạnh Mỹ và các quốc gia châu Âu cần phối hợp để giải quyết bất đồng trong từng vấn đề cụ thể và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Những khác biệt giữa Mỹ và các đối tác G7 trong vấn đề thương mại được dự báo sẽ bao trùm không gian thảo luận tại hội nghị diễn ra ở Bari (Italy) vào cuối tháng này.
Tại các cuộc họp bên lề hội nghị G7, nước chủ nhà Italy đã nỗ lực tìm kiếm những nét chung giữa chính sách thương mại chưa rõ ràng của Tổng thống Mỹ và các ưu tiên của các đối tác châu Âu của Washington gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, cùng với Canada và Nhật Bản.
Một quan chức Italy trong ban tổ chức hội nghị G7 cho biết chương trình nghị sự sẽ không bàn cụ thể về vấn đề thương mại và bảo hộ thương mại, mà sẽ bao trùm tình hình kinh tế thế giới.
Ngoài vấn đề thương mại, hội nghị G7 cũng là diễn đàn để các bên thảo luận về vấn đề trốn thuế xuyên quốc gia, ngăn chặn cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố, bảo vệ các thể chế tài chính trước nguy cơ tấn công mạng, và cách thức đảm bảo các lợi ích của tăng trưởng được chia sẻ đồng đều.
Cuộc gặp của các bộ trưởng tài chính thuộc G7 nói trên diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc cùng ngày thông báo đạt thỏa thuận về việc Trung Quốc nối lại hoạt động nhập khẩu thịt bò của Mỹ và mở cửa thị trường cho mặt hàng khí đốt tự nhiên và các dịch vụ tài chính của Mỹ.
Động thái trên được coi là một dấu hiệu khác cho thấy Tổng thống Trump đang xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, cho dù tỷ phú này từng đe dọa áp đặt thuế quan thương mại và cáo buộc Bắc Kinh thao túng thị trường tiền tệ./.