Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/05/2017-15:30:00 PM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội
(MPI) – Ngày 15/5/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 10 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Ảnh minh họa. Chinhphu.vn

Năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm

Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp đánh giá, năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; Trong bối cảnh ngành khai khoáng sụt giảm mạnh và nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng duy trì mức tăng trưởng cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á và khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế tiếp tục được hội tụ từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc, lần đầu tiên có trên 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Thu hút vốn FDI tăng cao. Công tác xây dựng thể chế được đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ nét nhất trong việc nghiên cứu xây dựng và ban hành các Luật, Nghị định, tổ chức bộ máy và đổi mới cơ chế điều hành.

Tuy đạt được những kết quả nêu trên nhưng nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục dựa vào bề rộng, năng lực cạnh tranh của công nghiệp còn thấp so với thế giới. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.

Năm 2017, kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với Quý I. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; Lạm phát được kiểm soát; Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; Tín dụng tăng cao; Lãi suất ngân hàng được giữ ổn định. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với Quý I/2017; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công và các đối tượng chính sách được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện không ít khó khăn cần được quan tâm, chỉ đạo, điều hành trong các tháng cuối năm là sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi nhưng tình hình sâu bệnh đang bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng; Ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở mức cao. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập siêu lại có xu hướng gia tăng. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn tư nhân và FDI còn chậm, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng vốn cam kết.

Dự báo tình hình kinh tế- xã hội trong nước trong thời gian tới, Chính phủ cho rằng, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong các tháng cuối năm là cần thiết nhưng đang chịu nhiều sức ép và thách thức trong điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ. Trong bối cảnh tình hình thế giới chưa xuất hiện xu thế rõ ràng và đang thuận lợi trong ngắn hạn, nền kinh tế trong nước cần tập trung phát huy tối đa những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm như: tăng nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn tư nhân và FDI đã cam kết và đăng ký từ các năm trước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tận dụng cơ hội thương mại và giá cả thế giới đang phục hồi; Chú trọng phát triển tiêu dùng trong nước, tạo thế ổn định và dự phòng ứng phó khi tình hình thế giới có thay đổi, đảm bảo nền kinh tế không bị tổn thương trước những tác động của tình hình thế giới.

Chính phủ kiến nghị, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các Nghị quyết khác của Chính phủ; Duy trì và phát huy tính năng động, sẵn sàng vào cuộc một cách quyết liệt, tạo chuyển biến thực chất, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành, địa phương, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các giải pháp đề ra vẫn cần có sự kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ và thị trường trong nước; Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu; Đẩy nhanh giải ngân và bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư; Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành kết quả đạt được trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo Chính phủ đã nêu, song nhiều ý kiến đánh giá kinh tế - xã hội nước ta vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô để giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017 và bảo đảm mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, triển khai quyết liệt hơn nữa kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng và khu vực doanh nghiệp Nhà nước; Quan tâm thúc đẩy tiêu dùng trong nước; Phát triển du lịch, dịch vụ - ngành đang có đà tăng trưởng mạnh.

Phiên họp diễn ra trong 3 ngày từ 15-17/5/2017, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2113
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)