(MPI) – Đây là một trong những nội dung của bài phát biểu kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5/2017, tại Hà Nội.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
|
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay sau khi nghe các báo cáo và ý kiến nêu tại Hội nghị, Chỉ thị số 20/CT-TTg về triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp đã được ký và công bố, trong đó nêu rõ, khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì không được mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Đồng thời khẳng định, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, năng lực cạnh tranh cao; Không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với nhà đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn; Không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; Không chỉ kiểm soát độc quyền kinh doanh mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; Các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; Môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2016, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực rà soát và cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp để góp phần giải phóng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, mở đường cho sáng tạo và phát triển. Chính phủ điện tử đã được triển khai áp dụng trong nhiều thủ tục hành chính, các địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công về đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí. Hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư cũng đã tạo điểm nhấn là mức tăng kỷ lục về xuất khẩu khi các công ty tiếp tục giành được những đơn đặt hàng mới với thị trường quốc tế. Theo báo cáo mới nhất của NIKKEI, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 4/2017 đạt 54,1 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong đầu quý II/2017. Công tác đôn đốc, kiểm tra, cùng với việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương đạt được kết quả bước đầu rất ấn tượng về số lượng doanh nghiệp, chất lượng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ, trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (chiếm 77,5%).
Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng được động viên, khích lệ đối với các địa phương và các cơ quan thuộc Chính phủ sau một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, các báo cáo và ý kiến nêu lên tại Hội nghị cho thấy vẫn còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ nêu lên các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Một là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật thông qua các việc làm cụ thể sau: Bảo đảm môi trường chính trị và vĩ mô ổn định, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, thực thi công vụ nghiêm túc, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp; Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xuyên suốt, nhất quán trên nền tảng cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại, như vậy mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.
Hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba các dự án luật, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành, đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi quy định các loại thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các Bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí thực hiện; Xóa bỏ sự ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng dựa trên hiệu quả cạnh tranh và khả năng cải thiện năng suất, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, chuyển nguồn lực cho mọi đối tượng, thành phần kinh tế có tiềm năng sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực đang có chứ không chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logistics, phí sử dụng các công trình dịch vụ công, phí kiểm định, thẩm định, giám định... Đồng thời, cần thúc đẩy sự phát triển các thị trường một cách mạnh mẽ, đồng bộ, bao gồm thị trường hàng hóa, thị trường có yếu tố sản xuất, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ…
Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm: Xây dựng kiến tạo các lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng ngành dịch vụ y tế, bảo hiểm và hệ thống phúc lợi xã hội, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, khoa học công nghệ, xây dựng các cơ chế khuyến khích liên kết ngành… Chính phủ phải kết hợp một cách tối ưu các nguồn lực và công cụ chính sách nhằm tạo những điều kiện cho kinh tế tư nhân, giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, tăng năng lực cạnh tranh trong kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, chiếm lĩnh trước tiên thị trường lớn thứ 13 của thế giới, chính là Việt Nam, từ đó đủ sức tiến lên từng bước.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai, không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, quản trị phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý bằng công nghệ.
Để thực hiện những yêu cầu nêu trên, cần có sự đồng lòng, đồng tâm của tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Mỗi công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước phải thông hiểu trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện, luôn sẵn sàng đồng hành bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc, bảo vệ tài sản, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bình minh đang đến với đất nước ta và bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên Tổ quốc Việt Nam. Với tinh thần đó, xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam, đó chính là tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Nhân Hội nghị này, Chính phủ cũng rất mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính, và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra, chính là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư