1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông nghiệp: Toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa và các cây màu vụ xuân trong khung thời vụ cho phép. Sơ bộ ước tính, vụ xuân năm nay toàn tỉnh đã gieo trồng được 38.745,6 ha, giảm 2,1% (tương ứng -887,1 ha) so cùng vụ năm trước. Trong đó, lúa xuân là 34.701,7 ha, đạt 99,1% kế hoạch và bằng 97,5% so cùng vụ năm trước. Đến nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đứng cái,được chăm sóc đợt 1 đầy đủ, nên sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với lúa xuân, toàn tỉnh đã gieo trồng được 4.043,9 ha cây rau màu các loại, đạt 92% kế hoạch và tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: cây ngô 1.094,9 ha, đạt 77,1% và giảm 16,9%; đậu tương 34,7 ha, giảm 49,2%; ….
b) Chăn nuôi và hoạt động thú y:. Ước tính đến ngày 01/4, toàn tỉnh toàn tỉnh có 2.270 con trâu, giảm 2,2% (-65 con) so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 32.250 con, giảm 4% (-1.350 con); đàn lợn có 370 nghìn con, giảm 6,3% (-29.050 con); riêng đàn gia cầm có 4,4 triệu con, tăng 4,3% (+180 nghìn con); trong đó, đàn gà 3,2 triệu con, tăng 4,2% (+130 nghìn con). Ngày 31/3/2017, dịch bệnh đã xảy ra trên đàn gia cầm 1.082 con của hộ gia đình tại thôn Long Khê, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra, lấy mẫu và xác định mẫu bệnh phẩm có dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5N1. Ngành Thú ý đã thực hiện tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trên và nhanh chóng tiến hành vệ sinh, thu gom rác thải; sử dụng 574 lít hoá chất; 59 tấn vôi bột, khử trùng được trên 1,4 triệu mét vuông toàn bộ khu vực chuồng trại xung quanh hộ có ổ bệnh và toàn thôn.
b) Lâm nghiệp: Đến cuối tháng 4, toàn tỉnh đã trồng được 128 nghìn cây xanh các loại. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở các địa phương tiếp tục triển khai tăng cường trong mùa nóng nắng và khô, đồng thời chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh gây hại trên toàn bộ diện tích rừng hiện có.
c) Thuỷ sản: Tính đến cuối tháng 4/2017, toàn tỉnh đã có khoảng 1.600 lồng nuôi cá trên sông, gấp 2 lần so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến tháng 4 ước đạt 5.260 ha, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng 2017, tổng sản lượng thuỷ sản thu hoạch ước đạt 12.335 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 11.993 tấn, tăng 0,6%; sản xuất con giống đạt 338 triệu con, giảm 4,8%
2. Sản xuất công nghiệp
a) Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 5% so với tháng trước và tăng ở mức hai con số so cùng tháng năm trước (+10,9%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+5% và +11,1%); ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng…(+9,8% và +16,7%); riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2% và giảm 30,6%, do hoạt động tái chế rác thải gây ô nhiễm môi trường bị hạn chế hoạt động. Riêng ngành SXSP điện tử có chỉ số tăng khá so tháng trước (+6,9%) và tăng cao so cùng tháng năm trước (+12,6%), do dòng điện thoại mới Galaxy S8 được ra mắt vào cuối tháng 3 và bắt đầu bán ra thị trường thế giới từ ngày 21/4, đã tạo ra đợt “xung chấn” mới đối với ngành công nghiệp điện tử nói riêng và toàn ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh nói chung. Qua 4 tháng, IIP đã tăng 1,5% so cùng kỳ năm trước, trong khi 3 tháng đầu năm giảm 7,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 1,5% và ngành SX và PP điện tăng 18,1%.
b) Chỉ số tiêu thụ và tồn kho: Chỉ số tiêu thụ tháng 4 tăng 10,9% so tháng trước và tăng tới 19,2% so cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành SX đồ uống có chỉ số tiêu thụ tăng cao nhất (+87% và +76,2%); tiếp đến là ngành SX trang phục (+21,3% và +91,4%). Riêng ngành SXSP điện tử, sau nhiều tháng có lượng tiêu thụ thấp, đến tháng 4 đã có chỉ số tiêu thụ tăng 3,7% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng tháng năm trước, đã góp phần dưa chỉ số tiêu thụ chung tăng cao. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ đã tăng 3,9% với cùng kỳ năm trước. Do chỉ số tiêu thụ tăng cao và chỉ số sản xuất tăng thấp hơn, nên chỉ số tồn kho tháng 4/2017 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,7% so tháng trước và chỉ tăng 5% so cùng tháng năm trước. Các ngành có chỉ số tồn kho giảm so với tháng trước, là: SX và chế biến thực phẩm (-24,7%); SX trang phục (-2,7%); SXSP từ giấy (-1,3%); SX kim loại (-1,1%); SXSP từ kim loại đúc sẵn (-3,2%); SXSP điện tử (-5,2%).
c) Về giá trị sản xuất: Sau đúng 1 năm đạt mức đỉnh cao vào tháng 3/2016 (70.243 tỷ đồng), rồi liên tục sụt giảm với mức thấp nhất là 49.077 tỷ đồng ở tháng 01/2017, đến tháng 4 năm nay GTSX công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn tỉnh đã đạt 70.630 tỷ đồng, tăng 7,3% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng tháng năm trước. Tính chung 4 tháng, GTSX đạt 229.711 tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 91% và tăng 3,4%; ngành SX và phân phối điện, khí đốt,... tăng 15,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 8,1%.
d) Chỉ số sử dụng lao động: Tại thời điểm 1/4/2017 chỉ số sử dụng lao động tăng 14,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 12,1% so cùng thời điểm năm trước. Trong khi khu vực Nhà nước giảm 4,3% và giảm 3,6%; khu vực ngoài nhà nước đã tăng 1,3% và tăng 3,2%. Riêng khu vực FDI tăng khá cao (+17,2% và +14,3%) do có thêm gần 10 DN FDI mới đi vào động, đặc biệt là các DN vệ tinh sản xuất linh kiện điện thoại di động cho SEV đang tuyển thêm công nhân để phục vụ kịp thời lượng sản xuất sản phẩm điện thoại Galaxy S8 được tung ra thị trường vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2017.
3. Đầu tư
a) Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 4 ước đạt 220,9 tỷ đồng, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 11,5% so cùng tháng năm trước. Trong đó, vốn đầu tư ngân sách tỉnh đạt 162 tỷ đồng, tăng 5,6% và tăng 18,5%. Tính chung 4 tháng, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 828,7 tỷ đồng tăng 8,4%.
b) Hoạt động cấp phép đầu tư
Từ ngày 01/01-15/4, toàn tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 38 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 147,9 triệu USD và điều chỉnh cho 16 dự án với tổng vốn điều chỉnh 2.577,6 triệu USD. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 990 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép đầu tư (còn hiệu lực), tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 15.131,5 triệu USD.
4. Thương mại, dịch vụ và giá cả
a) Lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 2.708,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 13,3% so cùng tháng năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ của loại hình kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng lớn nhất (62,9%), tăng 1,4% và tăng 12,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 11.119,6 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể chiếm 64,6% và tăng 11,4%; kinh tế tư nhân chiếm 34,3% và tăng 11,3%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 4 ước đạt 377,1 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng cao (+27%) so cùng tháng năm trước, chủ yếu do tăng ở khu vực FDI (+75,3%) do cung cấp suất ăn công nghiệp. Tính chung 4 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.487,1 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu ăn uống đạt 1.399,8 tỷ đồng, chiếm 94%, tăng 28,7%; khu vực FDI chiếm 41,4% và tăng tới 82%.
Các ngành dịch vụ khác (không bao gồm dịch vụ công) cũng có xu hướng tăng cao hơn so cùng kỳ do nhu cầu dịch vụ của người dân, DN ngày càng tăng cao. Sau 4 tháng, tổng doanh thu dịch vụ đạt 2.114,3 tỷ đồng, tăng 15,3%.
b) Tình hình giá cả
Tháng 4 dự ước CPI tăng nhẹ so với tháng trước. Trong tháng, tuy giá xăng dầu, giá gas có 2 lần được điều chỉnh giảm nhưng ở mức thấp, nên tác động không lớn đến chỉ số chung. Tuy nhiên, do giá một số mặt hàng có xu hướng tăng lên, như: lương thực (chuẩn bị bước vào thời kỳ giáp hạt), vật liệu xây dựng (vào mùa xây dựng), may mặc (chuyển sang mùa hè), văn hóa, giải trí (bước vào mùa du lịch),... nên đã tác động và kéo chỉ số giá tiêu dùng tăng lên. Giá vàng, mặc dù giá vàng có xu hướng giảm trong tuần qua do tác động của giá dầu thô trên thị trường thế giới, nhưng tính chung trong tháng giá vàng vẫn tăng khá do căng thẳng địa chính trị của khu vực Đông Á và khu vực Trung Đông. Đây cũng là nguyên nhân tác động làm giá đô la Mỹ sụt giảm do giới đầu tư đổ xô vào vàng, đồng yên Nhật và trái phiếu chính phủ Mỹ để đảm bảo an toàn.
c) Xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 2.073,2 triệu USD, tăng 19,4% so tháng trước và tăng 6,2% so cùng tháng năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 2.200,6 triệu USD, tăng 13,5% so tháng trước và tăng tới 80,4% so cùng tháng năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng tháng năm trước, như: chất dẻo (gấp 3,9 lần); giấy (gấp 3,1 lần); vải (+83,6%); linh kiện điện thoại (+54,9%); xơ, sợt dệt (+47,2%),.. Sau 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 6.452,1 triệu USD, tuy vẫn giảm 11,7% so cùng kỳ năm trước, nhưng khả năng sẽ tăng bật lên trong những tháng tới; còn kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 6.484,7 triệu USD, tăng 26,5%.
5. Giao thông vận tải
a) Hoạt động kinh doanh vận tải: Tháng 4, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.563 nghìn HK, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 12,1% so cùng tháng năm trước. Khối lượng hành khách luân chuyển ước đạt 76,2 triệu HK.km, tăng 1,3% và tăng 14,5%. Đến hết tháng 4, khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 6.176 nghìn HK, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 298,4 triệu HK.km, tăng 12,7%. Doanh thu vận tải hành khách 4 tháng đạt gần 390,8 tỷ đồng, tăng 13,9%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 4 ước đạt 2.782,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 8,6% so cùng tháng năm trước; khối lượng luân chuyển đạt 147,2 nghìn tấn.km, tăng 1,4% và tăng 10,6%. Tính chung 4 tháng, khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 10.780 nghìn tấn, tăng 7,1%; khối lượng luân chuyển đạt 564 triệu tấn.km, tăng 6,9%; Doanh thu vận chuyển hàng hoá ước đạt 816,2 tỷ đồng, tăng 7,9%.
b) An toàn giao thông: Tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 4 người và bị thương 4 người; sau 4 tháng, xảy ra 24 vụ, làm chết 17 người và bị thương 9 người, so cùng kỳ năm trước, giảm 11 vụ và giảm 11 người chết, nhưng tăng 4 người bị thương.
6. Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4 đạt 1.594,1 tỷ đồng, tăng 35,9% so cùng tháng năm trước, trong đó thu nội địa là 1.243,9 tỷ đồng, tăng 54,3%. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 4 ước đạt 813 tỷ đồng, tăng 6,5% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách địa phương đạt 3.993,2 tỷ đồng, đạt 32,8% dự toán năm và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển là 1.513 tỷ đồng, đạt 49% dự toán và tăng 4,1%.
7. Ngân hàng - Tín dụng
Đến cuối tháng 4/2017, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 75.000 tỷ đồng, tăng 55,7% so cùng tháng năm trước và tăng 43,2% so thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, vốn huy động từ dân cư đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 67,3% và tăng 44,4%. Ước tổng dư nợ tín dụng đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước, tăng 41,9% so cùng tháng năm trước và tăng 31,6% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 35.800 tỷ đồng, tăng 3,7%, tăng 42,9% và tăng 29,6%. Nợ xấu đến cuối tháng 4 là 850 tỷ đồng, chiếm 1,4%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của doanh nghiệp là 578 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 68%).
8. Một số vấn đề xã hội
a) Hoạt động y tế: Tháng 4, toàn tỉnh có 156 nghìn lượt người đi khám chữa bệnh, tăng 12,2% so tháng trước và tăng 17,2% so cùng tháng năm trước. Trong đó, có 14,4 nghìn lượt người phải điều trị nội trú, tăng 17,7% và tăng 18,7%. Qua 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã khám chữa bệnh cho 568 nghìn lượt người, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó điều trị nội trú cho 49,6 nghìn lượt người, tăng 10,4%.
b) Giáo dục - đào tạo: Trong tháng 4, các trường học tập trung tổ chức ôn và kiểm tra học kỳ II năm học 2016-2017. Đối với khối THPT, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dạy học và ôn tập hiệu quả cho các lớp, các đối tượng học sinh, bảo đảm các đối tượng học sinh được học phân luồng đều phát huy tốt nhất khả năng bản thân, góp vào thành tích chung của ngành trong việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học. Ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (từ ngày 21-24/6/2017) và kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.
c) Hoạt động văn hoá, TDTT: Trong tháng 4 hoạt động văn hóa thể thao và du lịch đã tập trung tuyên truyền, hướng vào kỳ Lễ quan trọng trong năm là kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), 131 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2017); lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương… với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng, phong phú. Thể dục thể thao, trong tháng, đã tổ chức thành công Giải chạy Nagakawa Cúp Báo Bắc ninh lần thứ XXI năm 2017; Giải cử tạ vô địch thanh thiếu niên Quốc Gia năm 2017 tại Bắc Ninh. Ban hành Điều lệ và xây dựng Kế hoạch tổ chức Giải vô địch Bóng bàn các câu lạc bộ tỉnh Bắc Ninh./.
Website Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh