Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/06/2017-08:01:00 AM
Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản
(MPI) – Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 04 - 08/6/2017, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại buổi họp báo
sau hội đàm. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Tuyên bố chung, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực kể từ khi nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014, các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao sự tin cậy chính trị. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng được tăng cường, góp phần thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế. Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu, lao động, xây dựng, thông tin, y tế, văn hóa, du lịch, thể thao, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân... có nhiều tiến triển thực chất.

Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Nhật Bản, đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời đánh giá cao vai trò và sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước tại Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác để giải quyết các vướng mắc cản trở việc thực hiện thuận lợi các dự án ODA của Nhật Bản.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ tăng cường kết nối hai nền kinh tế được nêu trong “Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản” năm 2015 với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các cơ chế đối thoại hiện có như Ủy ban hợp tác Việt - Nhật, Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng và Cơ chế đối thoại nông nghiệp Việt - Nhật, cũng như các cơ chế đối thoại đang triển khai giữa hai nước trong các lĩnh vực ODA, đầu tư, lao động, khoa học - công nghệ, tư pháp, môi trường, xây dựng... và đánh giá cao kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tổ chức ngày 05/6/2017.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và dòng đầu tư từ năm 2014 đến năm 2020. Ghi nhận sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất quan trọng đối với khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, quy mô lớn, trọng điểm quốc gia của Việt Nam, đồng thời nỗ lực tạo thuận lợi về thủ tục cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước...

Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam triển khai các kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp được lựa chọn trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lập nhóm công tác để thực hiện hiệu quả Chiến lược này, xem xét việc đào tạo kỹ sư tiên tiến cho 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược công nghiệp hóa. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ hiệu suất cao và bảo đảm các tiêu chí về môi trường cũng như việc áp dụng công nghệ khí tự nhiên hóa lỏng mới, nỗ lực thúc đẩy đàm phán hướng đến việc sớm bắt đầu hoạt động thương mại của 3 dự án nhiệt điện than theo hình thức BOT, tăng cường hợp tác về tiết kiệm năng lượng và xây dựng mạng lưới điện.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ để cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thông qua việc triển khai hiệu quả giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và hệ thống luật pháp, tăng cường quản trị và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm các doanh nghiệp công khai thông tin. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư PPP.

Qua đó, hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực như chính trị, quốc phòng - an ninh, hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, hợp tác phát triển toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, môi trường, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, xây dựng và phát triển đô thị, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân, giao lưu địa phương, tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực…

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến các Bộ, ngành, cơ quan hai nước ký kết và trao đổi 14 văn kiện hợp tác, bao gồm:

Các công hàm trao đổi vốn vay ODA trị giá 100,3 tỷ yên, tương đương 912 triệu USD cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; Quản lý nước ở Bến Tre; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1; Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2.

Các công hàm trao đổi viện trợ không hoàn lại trị giá 2,93 tỷ yên, tương đương 26,6 triệu USD cho 3 dự án: Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện; Chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực JDS năm 2017; Chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực JDS năm 2018.

Các biên bản ghi nhớ về cơ chế tín chỉ chung về khí nhà kính (JCM); Bản ghi nhớ hợp tác thể thao; Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai dự án đường bộ cao tốc theo hình thức PPP; Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng.

Các thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại hai nước; Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ trong xây dựng bộ quy chuẩn cơ sở hạ tầng cảng biển cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020; Thỏa thuận hợp tác về phục hồi chức năng sau mổ, phẫu thuật thần kinh./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2086
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)