(MPI) - Đây là chủ đề của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức ngày 27/6/2017 dưới sự đồng chủ trì của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Craig Chittick. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có khoảng 400 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn
|
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 6,4%/năm từ năm 2000 đến nay và tỷ lệ đói nghèo giảm xuống dưới 3% so với mức khoảng 50% đầu những năm 1990. Từ năm 2008, Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình.
Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo, chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam cần đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh như nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có những biện pháp để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á.
|
Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Craig Chittick phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam Craig Chittick đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, xây dựng Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đại sứ Craig Chittick khẳng định, Ô-xtrây-li-a sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao và đồng hành cùng Việt Nam giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển kinh tế để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017
Trình bày về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 ước giảm khoảng 0,3% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân đang có xu hướng giảm, tiệm cận dần với mục tiêu dưới 4% đã được Quốc hội thông qua.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2017, qua tính toán sơ bộ có khả năng đạt khoảng từ 5,5%-5,7%, xấp xỉ bằng mức tăng trưởng theo yêu cầu kịch bản mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp. Kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu có những kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% của cả năm 2017.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng, quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu quyết tâm và thực hiện đúng những giải pháp đã đề ra. Mục tiêu, giải pháp đã rõ ràng nhưng thực hiện cũng không đơn giản và cần phải quyết liệt mới có thể thực hiện được. Vượt qua được khó khăn này và thực hiện được mục tiêu sẽ có động lực, niềm tin để thực hiện được khát vọng lớn hơn trong dài hạn.
Điều này đòi hỏi tinh thần vào cuộc cũng như động lực phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đã đề ra, thường xuyên theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình thế giới và trong nước, bám sát mục tiêu, giải pháp đề ra, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
|
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi cởi mở, khách quan và đưa ra những đánh giá thẳng thắn, toàn diện về tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, nhận diện những thuận lợi, khó khăn sẽ phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm 2017 và định hướng cho cả năm 2018. Qua đó xác định những điểm nghẽn, những nút thắt và đề xuất những giải pháp mang tính trung và dài hạn cho nền kinh tế như: Định vị kinh tế Việt Nam trong chuỗi cạnh tranh kinh tế toàn cầu, đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình; Nhận dạng và đánh giá những nguồn nội lực của đất nước, nhất là những nguồn lực chưa được phát huy đầy đủ; Đánh giá quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và đề xuất những giải pháp. Từ đó đưa ra các đề xuất về chủ trương, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực then chốt để Việt Nam có thể phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017 đã diễn ra Hội thảo Ổn định kinh tế vĩ mô - Động lực phát triển và 02 Hội thảo chuyên đề về Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và Phát triển ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam, tầm nhìn 2035, qua đó cung cấp một bức tranh bao quát về kinh tế vĩ mô Việt Nam./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư