(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thay thế Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007. Dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể ngoài hình thức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đại diện cho hình thức hợp tác chặt chẽ, tổ chức rõ ràng, minh bạch, có tư cách pháp nhân thì người dân thường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, địa bàn khó khăn; Đơn giản từ hình thức nhóm hợp tác, câu lạc bộ, nhóm liên kết để trao đổi, cung cấp thông tin hay thực hiện một số các hoạt động kinh doanh nhất định, không thường xuyên và các nhóm, tổ hợp tác là tập hợp của những người dân, những nhà sản xuất hợp tác với nhau để thực hiện một hoặc một số khâu dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh. Các hình thức hợp tác này hiện vẫn đang được thống kê dưới hình thức tổ hợp tác (thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác và Thông tư số 04/2008/TT-BKH ngày 09/7/2008 về hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác), có chứng thực hoặc không chứng thực hợp đồng hợp tác tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Chính điều này khiến cho việc thống kê và thực hiện quản lý nhà nước về tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn do các hình thức câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích, nhóm liên kết thường rất nhỏ lẻ, linh hoạt, khó thống kê và kiểm soát.
Dự thảo Nghị định với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế về khung pháp luật hiện hành đối với việc thành lập và hoạt động của tổ hợp tác như Bộ luật dân sự 2005, Nghị định 151/2007/NĐ-CP, Thông tư 04/2008/TT-BKHĐT; Tạo khung pháp lý thuận lợi tối đa cho tổ hợp tác thành lập, hoạt động và phát triển, cũng như bảo đảm quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác cũng như các bên thứ ba tham gia vào hợp đồng dân sự với tổ hợp tác; Tạo địa vị pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp các tổ hợp tác khẳng định được địa vị và uy tín đối với thành viên hợp tác, đối với các đối tác; Giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình phát triển và quản lý, hỗ trợ được hoạt động của tổ hợp tác.
Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 44 điều sẽ giải quyết một số vướng mắc đối với tổ hợp tác hiện nay như tăng cường địa vị pháp lý của tổ hợp tác; Minh bạch hóa tài sản của tổ hợp tác; Thống nhất và xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về tổ hợp tác, tích hợp trong hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã khiến cơ quan nhà nước nắm bắt được tình hình và thực trạng phát triển của tổ hợp tác, đưa ra các chính sách kịp thời và thích hợp nhất hỗ trợ tổ hợp tác phát triển; Các đối tác biết được khả năng và tiềm lực của tổ hợp tác, yên tâm hơn khi giao kết hợp đồng; Ổn định và củng cố vai trò, địa vị của tổ hợp tác trong sản xuất, liên kết, liên doanh giữa các đối tác và giữa các thành viên tổ hợp tác, qua đó thúc đẩy sự phát triển của tổ hợp tác, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của kinh tế hộ.
Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt ngay cả trong nước thì việc liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất giữa các thành viên trong tổ hợp tác là rất quan trọng, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, tăng vị thế kinh tế, năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ. Hỗ trợ phát triển tổ hợp tác có tác động lan tỏa về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 4,5 triệu kinh tế hộ thành viên và đời sống của hàng chục triệu người thuộc hộ gia đình thành viên, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế thành viên, của bản thân tổ hợp tác và của toàn bộ nền kinh tế. Cùng với hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển hiệu quả sẽ góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, ngay tại địa bàn cơ sở, đóng góp tích cực cho phát triển chung kinh tế, xã hội của đất nước./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư