Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/06/2017-08:15:00 AM
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15%

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5/2017, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 0,20% so với tháng 12/2016. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%; Giao thông giảm 0,71%; Bưu chính viễn thông giảm 0,01%. Cụ thể, nhóm giao thông giảm 0,71% chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 20/6/2017 làm giá nhiên liệu giảm 1,47%, tác động làm CPI giảm 0,06%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%, trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực giảm 0,51% do các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, thời tiết nắng khô thuận lợi cho thu hoạch, nguồn cung gạo dồi dào nên giá một số loại gạo giảm kéo theo chỉ số nhóm lương thực giảm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,85% dẫn tới chỉ số CPI chung giảm khoảng 0,19%, chỉ số giá của nhóm này chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống. Giá thịt lợn giảm 4,71% so tháng trước do sản lượng thịt lợn đến lứa xuất chuồng vẫn còn tồn nhiều trong khi nhu cầu tiêu dùng cho mặt hàng này không tăng.

Ngoài ra, các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có CPI tăng không đáng kể: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; Giáo dục tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; May mặc, giầy dép, mũ nón và hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

CPI 6 tháng đầu năm 2017 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế; Một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ; Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2017 làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2017, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như: Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp mức giảm CPI chung 0,39%. Giá thịt lợn giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thu mua thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm; Các cấp, các ngành tăng cường thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; Năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6 năm 2017 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,29% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ tăng 1,52%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2017 lạm phát cơ bản là 1,52% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2017 tăng 0,25% so với tháng trước; Tăng 3,16% so với tháng 12/2016; Tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2017 giảm 0,07% so với tháng trước; Giảm 0,11% so với tháng 12/2016 và tăng 1,50% so với cùng kỳ năm 2016./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2610
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)