(MPI) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, công khai quy trình thủ tục, cải cách hành chính nhà nước, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức,…các Bộ, ngành đang tích cực triển khai các nhiệm vụ cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Tiếp cận tín dụng, đất đai; Giảm chi phí cho doanh nghiệp;…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
|
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo Báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2017, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 và sơ kết công tác cải cách hành chính năm 2017 cũng đã được triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản về việc tổ chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Việc thí điểm triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Công tác cải cách hành chính thuộc các lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, quản lý nợ công, chứng khoán, bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, cải thiện nhằm góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh.
Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP đã lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương. Theo thống kê sơ bộ, hàng trăm sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, lập nghiệp được nhiều tổ chức, địa phương triển khai; Mạng lưới các nhà đầu tư cho khởi nghiệp dần hình thành.
Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng nhà nước tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ).
Về tín dụng trung - dài hạn, hiện nay, tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng trong khi nguồn vốn huy động trung, dài hạn toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 15% đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng nhà nước vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Về tiếp cận đất đai, để tạo kênh thông tin cho các doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất báo cáo các cơ quan quản lý để công bố công khai các trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trên trang thông tin điện tử.
Đồng thời, để khắc phục những bất cập của Luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ngành và địa phương rà soát các kiến nghị cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2017.
Về giảm chi phí cho doanh nghiệp: tiếp tục giảm phí BOT, theo kết quả rà soát của Bộ Giao thông vận tải, trong 72 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 38 trạm. Về bảo đảm công khai minh bạch cước và phụ cước, Bộ Giao thông vận tải sẽ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động này đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Nghị định số 146/2016/NĐ-CP, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% theo quy định tại Nghị định số 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017.
Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), theo Luật hỗ trợ DNNVV đã được thông qua ngày 12/6/2017, bên cạnh những hỗ trợ chung về tín dụng, thuế, mặt bằng, thông tin, tư vấn, đào tạo còn quy định hỗ trợ đối tượng trọng tâm có tiềm năng phát triển nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh thông qua các chính sách về miễn giảm phí, lệ phí, đào tạo, tư vấn…; Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trên cơ sở Luật được Quốc hội thông qua, trong thời gian tới, các Nghị định hướng dẫn Luật sẽ được triển khai để các nội dung hỗ trợ được thực hiện rộng khắp tại các địa phương, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Giải quyết một số khoảng cách giữa chính sách và thực thi
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi. Các chính sách vẫn còn khoảng cách so với thực tiễn, chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật: Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng… gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 35/NQ-CP chưa thực hiện nghiêm túc. Ở một số địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa biết đến nội dung, tinh thần của Nghị quyết, dẫn đến sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp ở địa phương chưa cao.
Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề cụ thể; Chỉ bước đầu ghi nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, chưa đi vào thực chất, chưa giải quyết dứt điểm hoặc thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…) cũng như theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp.
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai nhiệm vụ tại Nghị quyết bước đầu đã thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao, nên nhiều giải pháp chưa mang lại tác động tích cực, chưa giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra ... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục vẫn còn cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập…
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg nhằm khắc phục một số cơ chế chính sách đang áp dụng chưa phù hợp, giải quyết một số khoảng cách giữa chính sách và thực thi, đảm bảo thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong việc hướng dẫn doanh nghiệp. Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan ban hành chương trình hành động để thực hiện, đồng thời thực hiện cùng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư