Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/07/2017-16:46:00 PM
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) - Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, trong quý II/2017 cho thấy, đến nay, vẫn chỉ có một số ít Bộ, cơ quan thực sự quan tâm và nỗ lực thực hiện Nghị quyết, còn lại chưa bám sát mục tiêu yêu cầu của Nghị quyết khi xây dựng hoặc trình dự thảo các văn bản pháp luật cũng như thực thi chính sách.

Qua rà soát, nghiên cứu Điều kiện kinh doanh 2017, kết quả cho thấy, chất lượng của các quy định về điều kiện kinh doanh còn thấp, thiên về quản lý kiểm soát các yếu tố đầu vào hơn là chất lượng sản phẩm đầu ra, thiếu hệ thống quản lý theo phương pháp đánh giá rủi ro; Hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh chưa hiệu quả; Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về cải cách giấy phép, điều kiện kinh doanh; Hoạt động rà soát và nâng cao chất lượng quy định điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.

Về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, mặc dù đã có một vài chuyển biến nhỏ trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, nhưng nhìn chung kiểm tra chuyên ngành vẫn quá mức cần thiết, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan, gây nhiều khó khăn, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính quá mức đối với doanh nghiệp. Theo rà soát mới đây của Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan), hiện có tới 414 văn bản liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm (ở mức 30-35%), trong khi mục tiêu của Nghị quyết số 19 là giảm xuống còn 15% đến 2017.

Thực tế cho thấy, nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho cơ quan hải quan, song không đạt hiệu quả về quản lý nhà nước, ví dụ như: các quy định về kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, kiểm tra an toàn thực phẩm, hoạt động in…

Kết quả kiểm tra chuyên ngành nhiều năm liền cho thấy có thể loại một số đáng kể sản phẩm ra khỏi danh mục hàng hoá nhóm 2 trong thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ. Một số bất cập về quản lý chuyên ngành như: Về kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu, theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới kiểm dịch động vật đối với mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến chưa được giải quyết. Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14/11/2016 quy định mức phí mới về kiểm dịch thú y. Mức phí này rất cao và chênh lệch lớn so với mức phí cũ. Điều này làm tăng chi phí đáng kể của doanh nghiệp. Về kiểm tra an toàn thực phẩm, những năm qua, doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc nhất trong thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp như: Yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết số 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ này; Yêu cầu các Bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận Tải, Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết số 19; Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Bộ có liên quan rà soát và cắt giảm từ 1/3 - 1/2 số sản phẩm hiện đang thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 trong quản lý nhà nước chuyên ngành; Sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan, đảm bảo phù hợp với các quy định khung về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Yêu cầu các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát lại mức phí về kiểm tra chất lượng và kiểm dịch thú y; Điều chỉnh giảm mức phí theo hướng giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp; Nghiêm túc xem xét giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp về kiểm dịch động vật đối với các sản phẩm đã qua chế biến sâu theo kiến nghị của doanh nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm hàng hoá kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đề ra; Có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; Kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả; Thực hiện kết nối thông tin giữa các Bộ, cơ quan./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2352
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)