(MPI) – Tại Hội thảo Tổ chức thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiệu quả và thực chất diễn ra ngày 28/6/2017, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 thực chất và hiệu quả, trong đó nhấn mạnh vai trò và chức năng của DNNN đã có nhiều thay đổi so với trước đây.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: CIEM
|
Theo báo cáo, tái cơ cấu DNNN là sự thay đổi về thể chế kinh tế nhằm cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư tại DNNN cho phù hợp hơn với vai trò, chức năng của DNNN trong nền kinh tế, thông qua việc xác định vai trò của DNNN, tái cấu trúc quản trị DNNN, tái cấu trúc công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015, tái cơ cấu DNNN nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nghề hợp lý hơn, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến năm 2020, tái cơ cấu DNNN nhằm nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, sức cạnh tranh, năng lực quản trị, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Theo đó, vai trò và chức năng của DNNN đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Chức năng cơ bản và dài hạn của DNNN không còn là công cụ của Nhà nước để dẫn dắt nền kinh tế và các doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu phải bố trí nguồn lực, cách thức vận hành và cơ cấu sở hữu DNNN. Theo báo cáo, danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2015-2020 là 240 doanh nghiệp, trong đó có 103 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 04 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và 106 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Tính theo vốn điều lệ của 240 doanh nghiệp cần sắp xếp, khoảng 561 nghìn tỷ đồng hiện đang nằm trong DNNN 100% vốn nhà nước; 280.353 tỷ đồng tại các doanh nghiệp Nhà nước giữ trên 50% sở hữu; 174.606 tỷ đồng tại các doanh nghiệp Nhà nước giữ dưới 50% sở hữu. Đến năm 2020, đây sẽ là nguồn thu rất lớn khi tối thiểu hóa tỷ lệ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Kết quả tái cơ cấu danh mục đầu tư nhà nước thông qua cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đạt 93% kế hoạch về số lượng nhưng chất lượng còn thấp. Trong số 128 doanh nghiệp IPO năm 2015, bán được 36% số cổ phần chào bán và sau khi phát hành cổ phiếu, Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ. Tình hình thực hiện cổ phần hóa từ năm 2016 đến nay tiến triển chậm, chất lượng chưa có dấu hiệu cải thiện, việc bán cổ phần nhà nước tiếp tục gặp khó khăn, chính sách cổ phần hóa chưa có thay đổi, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, năm 2016 cổ phần hóa 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập; 5 tháng đầu năm 2017, cổ phần hóa 13 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập, công bố giá trị 38 doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa, đang xác định giá trị 107 doanh nghiệp.
Báo cáo của CIEM đưa ra một số giải pháp trọng tâm để tái cơ cấu DNNN hiệu quả và thực chất, bao gồm tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả tái cấu trúc quản trị và các mặt hoạt động của DNNN. Qua đó, thu hồi tối đa vốn nhà nước từ cổ phần hóa cho đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN, khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; Tiếp tục thu hẹp diện DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, rà soát danh mục 100% vốn nhà nước theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020. Sau năm 2020 chỉ nên giữ 100% vốn nhà nước đối với một số doanh nghiệp thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu tư bên ngoài, các doanh nghiệp còn lại đều có thể cổ phần hóa không phân biệt ngành, lĩnh vực hoạt động; Ban hành cơ chế mới cho phép bán toàn bộ một DNNN không giới hạn quy mô.
Đồng thời, đẩy mạnh tái cấu trúc quản trị thông qua việc tập trung giải pháp loại bỏ các hỗ trợ bất hợp lý (trên thực tế) để tạo áp lực và động lực cho DNNN kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, khẩn trương thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan chủ sở hữu cần xây dựng cơ chế quản lý, giám sát theo danh mục đầu tư, hình thành hệ thống thông tin trực tuyến cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời với từng doanh nghiệp, tổ chức công tác quản lý, cảnh báo rủi ro của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, điều hành DNNN, tách người quản lý khỏi chế độ viên chức, công chức, triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, tiếp tục cải thiện tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của DNNN./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư