Ảnh minh họa. Nguồn MPI (MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Trong giai đoạn 2011-2016, ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao so với các ngành khác và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ngành dịch vụ tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cơ cấu ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong tổng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực, đồng thời các ngành dịch vụ chưa phát huy được hiệu quả cao. Mặt khác, cơ cấu nội bộ của khu vực dịch vụ chưa phát triển đa dạng, tập trung chủ yếu trong một số ngành dịch vụ kinh tế gồm phân phối, bán buôn và bán lẻ; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản; Du lịch, lưu trú và ăn uống, …
Đề án được xây dựng trên những nội dung quy định tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được nêu tại: Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05); Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết 24); Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 05 và Nghị quyết 24. Trên cơ sở thông tin cung cấp của các Bộ, ngành liên quan (trong đó có các nội dung về kết quả tái cơ cấu ngành, lĩnh vực giai đoạn 2013 - 2016, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020). Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án nhằm hệ thống hóa các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện, để cơ cấu lại khu vực dịch vụ hướng tới phát triển khu vực này hiện đại, bền vững, góp phần vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đáp ứng các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2020.
Đề án nhằm mục đích, đánh giá thực trạng phát triển ngành dịch vụ, sự chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ trong giai đoạn 2011-2016. Đồng thời đánh giá điểm mạnh và hạn chế của từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể. Đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020 phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội. Đưa ra Danh mục các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện đến năm 2020 của các Bộ, ngành liên quan.
Nội dung nghiên cứu của Đề án là những vấn đề về cơ cấu lại ngành dịch vụ trong bối cảnh triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội. Phạm vi nghiên cứu ở tầm vĩ mô, thời gian từ năm 2011 đến 2016, dự báo đến năm 2020. Căn cứ nội dung Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, số lượng phân ngành dịch vụ nghiên cứu gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông; Giáo dục và đào tạo; Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm; Phát triển kinh doanh/dịch vụ chuyên môn; Logistics và vận tải; Du lịch; Khoa học công nghệ; Phân phối; Y tế; Xây dựng.
Trong quá trình nghiên cứu, Đề án sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu trong nghiên cứu kinh tế như phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp hệ thống, phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tích và tổng hợp. Cụ thể bao gồm: Kế thừa và sử dụng các tài liệu, dữ liệu thứ cấp; Khảo sát thực tiễn; So sánh, đối chiếu; Diễn giải, quy nạp; Thống kê toán,...
Đề án gồm bốn phần và một Phụ lục: Thực trạng phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2011 - 2016; Bối cảnh, quan điểm, mục tiêu xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ Việt Nam đến năm 2020; Đề xuất các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành dịch vụ và Tổ chức thực hiện./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư