Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2017-09:32:00 AM
Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 07/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Chương trình nghị sự 2030). Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Chirstian Berger, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên của Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, các tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào tháng 5/2017. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững (PTBV). Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên quá trình tham vấn rộng rãi của tất cả các bên liên quan. Kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2030. Đặc biệt, Kế hoạch hành động nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan từ các Bộ, ngành, địa phương đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc trực tiếp tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu trong việc trực tiếp tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030.

Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia, Việt Nam sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Kế hoạch hành động vào các mục tiêu phát triển bền vững (VSDGs); Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về các mục tiêu PTBV; Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững ở mọi lĩnh vực; Lồng ghép các mục tiêu PTBV vào các chính sách, chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương; Huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV.

Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều nội dung của các mục tiêu PTBV thông qua việc lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, triển khai sáng kiến Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030-P4G…

Việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu PTBV là hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang bắt đầu giảm mạnh. Bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước để thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nâng cao năng lực thể chế, cũng như nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến giảm bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, tạo việc làm, y tế, giáo dục, phát triển kinh tế và môi trường bền vững. Việt Nam hy vọng trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 sẽ nhận được sự tham gia tích cực và hỗ trợ của tất cả các bên liên quan trong nước và các đối tác phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội nghị, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh, thông điệp chủ chốt không để ai bị bỏ lại phía sau là trọng tâm trong hành động của Việt Nam và điều này sẽ không đạt được nếu không huy động và tìm kiếm sự tham gia rộng rãi của Chính phủ, các đối tác phát triển song và đa phương, các tổ chức chính trị xã hội và các nhóm khác đại điện cho quyền lợi của người dân theo cách tiếp cận “toàn quốc gia” trong quá trình thực hiện và báo cáo. Liên hợp quốc khẳng định cam kết trong việc phối hợp với Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động, cụ thể thông qua Kế hoạch chiến lược chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 được ký kết vào ngày 05/7/2017.

Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger chia sẻ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình, Chính phủ Đức đã coi Chương trình Nghị sự 2030 cũng như cácchính sách về khí hậu và năng lượng là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Ông Christian Berger đánh giá Kế hoạch hành động là công cụ quan trọng hướng tới tăng trưởng kinh tế cân bằng, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược của Chính phủ Đức với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt Nam - Đức và thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tham dự Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về nội dung Kế hoạch hành động; Định hướng triển khai Kế hoạch hành động của đại diện một số Bộ. Đây cũng là dịp để các đại biểu thảo luận về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động từ đó đưa ra các giải pháp, cách thức để thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động, việc huy động sự tham gia của các bên liên quan, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong quá trình triển khai hành động và cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhấn mạnh, PTBV là nhiệm vụ của toàn Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và của từng doanh nghiệp, người dân. Quá trình thực hiện Kế hoạch hành động đòi hỏi phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành, giữa Chính phủ và người dân, giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế. Đồng thời, phải tăng cường tính công khai minh bạch, đảm bảo cho tất cả các bên liên quan đều có thể giám sát được. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp tận dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu PTBV./.

Trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến “Triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế CHLB Đức ”, GIZ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực giám sát và báo cáo Chương trình nghị sự 2030. Dự án hỗ trợ đối tác chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cải thiện thể chế thực hiện Chương trình nghị sự 2030; Tăng cường năng lực về thống kê, các phương pháp sáng tạo trong thu nhập dữ liệu, các công cụ giám sát và báo cáo; Trao đổi tri thức trong khu vực và quốc tế thông qua hỗ trợ việc chuẩn bị Báo cáo Quốc gia Tự nguyện thường niên năm 2018, đồng thời hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tham gia vào các mạng lưới quốc tế và khu vực về trao đổi kinh nghiệm và các sáng kiến trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 6199
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)