(MPI) – Ngày 14/7/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Chính sách tài chính - tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương tham dự và chủ trì Hội thảo.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định, năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong mục tiêu kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ rệt, tốc độ tăng trưởng quý II tăng hơn nhiều so với quý I, đạt 5,73%. Điều này cho thấy, nỗ lực của cải cách kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và những năm tiếp theo của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Cải cách kinh tế, đặc biệt là cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước còn chậm, khu vực kinh tế tư nhân – động lực phát triển của nền kinh tế còn yếu, lạm phát được kiểm soát nhưng còn nguy cơ tăng trở lại. Sự biến động của thị trường tài chính quốc tế, đặc biệt là xu hướng tăng lãi suất FED vẫn tạo áp lực lên tỷ giá. Giải ngân đầu tư công chậm, nợ công chạm trần Quốc hội cho phép, bội chi ngân sách vẫn khó kiểm soát…
Để vượt qua những thách thức nêu trên, cần có sự bứt phá trong 6 tháng cuối năm 2017. Bên cạnh quyết tâm chính trị, cần có những phân tích, đánh giá sâu sắc, thực sự khách quan về các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính – tiền tệ. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương mong rằng, thông qua những phân tích trên cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, Hội thảo sẽ nhận được những góp ý, đề xuất giải pháp cho điều hành kinh tế nửa cuối năm 2017 và những năm tiếp theo.
|
Đại diện Học viện Chính sách và Phát triển trình bày chuyên đề tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Trên cơ sở những phân tích tổng quan về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, đại diện Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, xu hướng tăng trưởng kinh tế đang hồi phục rõ rệt từ 2016 và có cơ hội đạt mức tăng trưởng 2 quý cuối năm cao hơn 2 quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng 2 quý đầu năm cao hơn nhiều so với lạm phát đã phản ánh phần nào chất lượng của tăng trưởng được cải thiện. Nghiên cứu số liệu lạm phát từ 2001-2016 cho thấy, khi lạm phát tăng ở mức độ nhất định, 2 quý đầu năm không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng, 2 quý tiếp theo lạm phát sẽ thúc đẩy tăng trưởng, từ quý thứ 5 trở đi lạm phát sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Nghiên cứu số liệu cung tiền Việt Nam từ 2001-2016 cho thấy, khi cung tiền tăng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng với độ trễ 2 quý. Trong ngắn hạn, khi tăng cung tiền, lạm phát sẽ tăng cao và nhanh, nhưng tăng cung tiền ở mức hợp lý sẽ giúp ổn định và kiểm soát lạm phát. Mức cung tiền mới 6 tháng đầu năm 2017 chỉ ở mức gần 5,69%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm (16-18%). Vì vậy, còn có thể tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2017 nhưng cần cẩn thận lựa chọn các kênh tăng cung tiền phù hợp. Nghiên cứu số liệu tỷ giá Việt Nam từ 2001-2016 cho thấy, khác với nhiều nước trên thế giới, khi đồng nội tệ mất giá thường kích thích tăng trưởng thông qua gia tăng xuất khẩu, nhưng sự mất giá của đồng Việt Nam tác động tới tăng trưởng không đáng kể do đặc điểm của cơ cấu xuất nhập khẩu và các yếu tố khác của nền kinh tế. Tỷ giá tăng sẽ làm lạm phát tăng ngay trong tháng tiếp theo.
Theo kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017 bị hạn chế do độ trễ của tăng trưởng tín dụng đến GDP khoảng 1 năm nhưng sẽ tạo đà cho tăng trưởng năm 2018. Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tín dụng để hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu về số liệu thu ngân sách nhà nước và chi tiêu thường xuyên của Chính phủ 2001-2016 cho thấy, tỷ lệ thu ngân sách/GDP tăng và tăng chi tiêu thường xuyên của Chính phủ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, không còn nhiều dư địa về trần nợ công và bội chi ngân sách để mở rộng chính sách tài khóa.
Theo nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, để đạt được tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra, bên cạnh các giải pháp dài hạn như cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… cần tập trung vào các giải pháp thuộc về chính sách tài chính – tiền tệ. Với bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, trong phạm vi tác động của chính sách tài chính – tiền tệ, tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng, cung tiền quyết định đến ổn định và kiểm soát lạm phát, vẫn còn có dư địa để giảm lãi suất và có nhiều áp lực lên tỷ giá. Chính sách tài chính – tiền tệ đang đi đúng hướng nhưng độ trễ còn lớn, làm cho chính sách chậm đi vào cuộc sống, cần nâng cao hiệu quả điều hành và đặc biệt là trách nhiệm cá nhân.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)
|
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Trường Đào tạo BIDV trình bày chuyên đề “Từ chính sách đến thị trường tài chính – tiền tệ năm 2017 – Bài toán tăng trưởng”. Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt và nhất quán, lựa chọn những giải pháp phù hợp gắn liền với các mục tiêu đề ra và điều kiện thị trường cụ thể. Tín dụng tăng trưởng khá, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được đảm bảo tốt và mặt bằng lãi suất duy trì ổn định mặc dù chịu áp lực tăng vào đầu năm. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra khá chậm, việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, ảnh hưởng phần nào đến mục tiêu hạ lãi suất cho vay và lành mạnh hệ thống tài chính tín dụng; Hệ thống ngân hàng tiếp tục chịu áp lực lớn về vốn và các gói tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế; Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động vốn và tín dụng ngoại lệ tăng trưởng mạnh trở lại, song có thể tạo áp lực thanh khoản, nhất là vào cuối năm. Đồng thời, đưa ra một số gợi ý chính sách trong ngắn hạn như xử lý triệt để vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân; Đẩy mạnh tiết giảm chi thường xuyên ngân sách nhà nước; Theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường quốc tế để tiếp tục đồng bộ các giải pháp điều hành tỷ giá phù hợp; Phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đảm bảo mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, kiểm soát giá cả thị trường…
Hội thảo được nghe đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trình bày chuyên đề về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời nhận được nhiều ý kiến phân tích, chia sẻ bài học thực tiễn cũng như những góp ý, kiến nghị từ các đại biểu, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng chính sách tài chính – tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư