Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/07/2017-15:50:00 PM
IFC cho vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa đồng ý cấp cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD. Theo đó, IFC có thể chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank trong thời hạn khoản vay.
IFC cấp khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu USD cho VPBank. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Khoản vay nêu trên, với thời hạn 2 năm và có thể được gia hạn thêm 2 năm nữa sẽ giúp VPBank mở rộng đối tượng cho vay lại trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, một phân khúc chiến lược mà VPBank đang tập trung phát triển.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, trong thời hạn khoản vay còn hiệu lực, IFC được quyền quyết định chuyển đổi phần dư nợ gốc của khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank. Hiện tại, VPBank đang làm các thủ tục cần thiết để phê duyệt khoản vay chuyển đổi này.

Là một định chế tài chính quốc tế uy tín thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân thông qua cung cấp các khoản vay trung-dài hạn, đầu tư cổ phần, bảo lãnh, quản lý rủi ro và các dịch vụ tư vấn, IFC đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào nói, khoản vay dài hạn từ IFC sẽ giúp VPBank tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một ngân hàng hàng đầu phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. IFC sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ VPBank tăng cường hiệu quả hoạt động và quản trị hơn nữa.

Còn ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ, việc được IFC cho vay, đầu tư cổ phần là một trong các nhân tố giúp củng cố và nâng cao hơn nữa uy tín, giá trị thương hiệu của VPBank thông qua sự giám sát và các hỗ trợ kỹ thuật của IFC trong quản trị công ty, nhất là quản trị rủi ro. Khoản vay này không chỉ giúp VPBank có thêm nguồn vốn trung hạn để cho vay bằng ngoại tệ, mà còn có cơ hội bổ sung nguồn vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về vốn, củng cố hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo Tiêu chuẩn Basel II trong trường hợp IFC thực hiện quyền chuyển đổi nợ thành cổ phần.

Trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu USD với thời hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 50 triệu USD giúp VPBank mở rộng vốn vay cho các DNNVV và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.

Hiện nay, việc chấp nhận tài sản thế chấp ở các ngân hàng Việt Nam chưa có sự bình đẳng giữa DN quy mô lớn và DNNVV. Các DN lớn thì dễ dàng vay vốn và thế chấp tài sản, trong khi nhiều DNNVV kinh doanh hiệu quả nhưng lại khó tiếp cận vốn vay ngân hàng với chi phí rẻ vì tài sản bảo đảm hạn chế. Các ngân hàng cần thẩm định dựa nhiều hơn vào các yếu tố luôn được ngân hàng lưu ý khi tiến hành thẩm định cho DN vay đó là dòng tiền, sự tăng trưởng, và khả năng thanh toán nợ của DN trong nhiều năm.

Để tăng cường hỗ trợ cho các DN tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, IFC thường lựa chọn những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro tốt như VPBank, SHBank, ABBank…để làm đối tác tài trợ vốn cho các DNNVV ở Việt Nam./.

Huy Thắng
Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 1672
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)