Hiện nay, Khu Công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, các trục giao thông chính… sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư.
|
Một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại KCNC Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Ngày 3/8, Đà Nẵng tổ chức Hội thảo định hướng phát triển KCNC Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nhằm đưa ra giải pháp để phát triển KCNC này đồng bộ, bền vững, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố nói riêng và của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung.
Những năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực để có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI luôn dẫn đầu cả nước, tốc độ đổi mới công nghệ trung bình đạt 20-30%. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp của Đà Nẵng vẫn chưa lớn để có thể thúc đẩy phát triển nền kinh tế vì 99,5 % doanh nghiệp tại Thành phố có quy mô vừa và nhỏ.
Chính vì vậy, Đà Nẵng xác định một trong ba đột phá phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố giai đoạn 2015-2020 là phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại, tập trung thu hút vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…
Thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng KCNC, bảo đảm đúng tiến độ, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, KCNC Đà Nẵng đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông, các trục giao thông chính và sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Đến nay KCNC này đã thu hút được 7 dự án với tổng số vốn đầu tư 157,6 triệu USD, trong đó có 2 dự án FDI 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản đã đi vào hoạt động.
|
Hệ thống giao thông KCNC Đà Nẵng đã hoàn thiện. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển KCNC Đà Nẵng tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố cần phát triển hài hòa giữa du lịch dịch vụ và công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao.
Không gian KCNC Đà Nẵng phải gắn với việc trở thành một không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà khoa học, công nghệ, các chuyên gia về quản lý, đầu tư trong và ngoài nước. Phải xác định được nhà đầu tư chiến lược làm đầu tàu và lôi kéo các doanh nghiệp khác.
Đồng thời, xây dựng lộ trình phát triển cụ thể đối với KCNC. Giai đoạn đầu tập trung sản xuất và thu hút đầu tư cho phát triển công nghệ cao. Còn ươm tạo, nghiên cứu và phát triển cũng cần giữ ở một mức độ vừa phải để tạo gia tốc cho quá trình phát triển tiếp theo… Đặc biệt, cần phải tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cần thiết về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực…/.
KCNC Đà Nẵng là KCNC đầu tiên ở miền Trung, được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong ba KCNC đa chức năng cấp quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển KCNC đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 1.130 ha, trong đó có các phân khu chức năng chiếm 674 ha, khu sản xuất công nghệ cao 209 ha, dịch vụ công nghệ cao và logistic 29,79 ha… với tổng vốn đầu tư 419 triệu USD và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. |
Lưu Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ