Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/07/2017-15:12:00 PM
Đề xuất cơ chế, chính sách cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc
(MPI) - Ngày 15/7/2017, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Hội thảo khoa học về đề xuất cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức bộ máy nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo bước phát triển đột phá, bền vững cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh Kiên Giang, các chuyên gia, học giả, nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Nguồn: UBND tỉnh Kiên Giang

Huyện đảo Phú Quốc được ví như hòn “Đảo Ngọc” của Việt Nam, từ lâu đã được mệnh danh là “thiên đường du lịch”, nằm tách biệt khá xa đất liền, cách thành phố Rạch Giá khoảng 120km, cách thị xã Hà Tiên 50km, có tổng diện tích tự nhiên 58.923ha (gần bằng với Quốc Đảo Xinh-ga-po), bao gồm 27 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trong vịnh Thái Lan. Trong đó, phần diện tích rừng chiếm 63,2% tổng diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp chiếm 23,4%, đất phi nông nghiệp chiếm 11,5% và đất chưa sử dụng chiếm 1,9%; Phần diện tích đất có khả năng khai thác phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị khoảng 11.180ha (chiếm 19% tổng diện tích đất tự nhiên).

Để khai thác được những tiềm năng, thế mạnh và vị thế đặc biệt của Phú Quốc, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra những định hướng phát triển cụ thể thông qua các văn bản pháp lý: Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc; Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc đến năm 2030. Trong điều chỉnh quy hoạch này đã xác định mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính vào năm 2020 với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; Đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; Bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực. Gần đây nhất, theo Quyết định số 31/2013/QĐ-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc thành lập khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 17/9/2014 về việc công nhận huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là đô thị loại II.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết,năm 2016, về tăng trưởng về kinh tế, tổng giá trị sản xuất của Phú Quốc đạt 17.855 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ và gấp 36,5 lần so với năm 2005; Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hoá là 26.932 tỷ đồng tăng so với năm 2005 là 54,5 lần; Về du lịch - dịch vụ, lượng khách du lịch đạt 1,45 triệu lượt người, tăng 9,6 lần so với năm 2005.

Phú Quốc đã thu hút được 265 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 10.522 ha, trong đó: có 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 7.235 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 217.993 tỷ đồng; 31 dự án đã đi vào hoạt động, tổng diện tích 2.076 ha, tổng vốn đầu tư 49.563 tỷ đồng; 24 dự án đang triển khai xây dựng, diện tích 1.724 ha, tổng vốn đầu tư ước tính 45.955 tỷ đồng, các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hầu hết các dự án đã và đang triển khai là dự án động lực, tạo điểm nhấn đặc biệt để Phú Quốc trở thành một điểm đến hàng đầu về du lịch của cả nước.

Về thực hiện các cơ chế chính sách, kể từ khi có Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phú Quốc có sự đổi mới nhanh, phát triển rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao mang tính ổn định và bền vững, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng cao, đặc biệt về quy hoạch, cơ chế chính sách có những đặc biệt, đặc thù riêng, vốn đầu tư đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho Phú Quốc phát triển. Đặc biệt, cơ chế chính sách và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành theo hướng ưu đãi cao trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi để phát huy tiềm năng lợi thế của Phú Quốc.

Tuy nhiên, thể chế, chính sách hiện nay của Phú Quốc là mô hình chung áp dụng cho Khu kinh tế ven biển cả nước, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, sức lan tỏa phát triển còn hạn chế… đặc biệt là chưa có được một hệ thống thể chế thực sự tự do, thông thoáng vượt trội so với hệ thống thể chế hiện hành trong nước và mang tầm đẳng cấp quốc tế để phát huy được hết lợi thế, tiềm năng của Phú Quốc.

Do đó, cần nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức thích hợp nhất đối với huyện đảo Phú Quốc và xây dựng cơ chế chính sách theo hướng mở có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới nhằm tạo khâu đột phá về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, để đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội cho Phú Quốc, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời, khai thác tốt nhất các tiềm năng, lợi thế và phát huy có hiệu quả các nguồn lực để phát triển cho đất nước là yêu cầu bức thiết của thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020 của Đảng.

Tại Hội thảo, 15 tham luận khoa học của các chuyên gia, học giả, nhà khoa học đề xuất, phân tích mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, giảm thiểu các đơn vị chức năng, áp dụng các công cụ chính phủ điện tử, thành phố thông minh để thu thập thông tin, ý kiến và thực hiện thủ tục hành chính, theo dõi các vấn đề xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn, cung ứng dịch vụ công. Xây dựng thể chế vượt trội cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của Phú Quốc.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải có lợi thế kết nối bên ngoài. Quyền lực độc lập của chính quyền phải được xác định rõ ràng, có cơ chế vận hành thông suốt và được đảm bảo bằng luật. Trên thực tế, các đặc khu ở mỗi nước, tùy theo điều kiện cụ thể và các yêu cầu phát triển đặc thù được trao các quyền lập quy không hoàn toàn giống nhau, các mẫu hình đều có sẵn. Đây là điều mà Phú Quốc cần tổ chức nghiên cứu để đề xuất áp dụng cho phù hợp. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc phải cạnh tranh - liên kết phát triển. Đó là cạnh tranh - liên kết quốc tế với các đặc khu khác của thế giới và trong khu vực. Phải xây dựng năng lực cạnh tranh vượt trội cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc ở đẳng cấp cao nhất.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện thực hóa và phát triển Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong bối cảnh hiện nay cần tính đến thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới. Trên cơ sở phân tích nội hàm, tác động, triển vọng, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phân tích thực tế huyện đảo Phú Quốc, cần định hướng, giải pháp trên các khía cạnh như: tầm nhìn phát triển, tạo lập thể chế vượt trội, nâng cao cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, chính sách ưu đãi mang tính cạnh tranh khu vực và quốc tế, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, cơ chế đãi ngộ phù hợp…

Cùng với đó, nhiều ý kiến tham luận nhấn mạnh cần quy định cụ thể các chính sách quản lý trên một số lĩnh vực liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư kinh doanh và triển khai thực hiện dự án đầu tư tại Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc như: quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường, thương mại, mở cửa thị trường, lao động… theo hướng đơn giản tối đa về thủ tục và tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Các chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng; Miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí; Miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước, sử dụng đất; Tiền tệ ngân hàng, quản lý ngoại hối; Xuất nhập cảnh, đi lại, cư trú… đối với Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc được quy định cao hơn, vượt trội và thuận lợi hơn so với quy định hiện hành, không trái với Hiến pháp và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và đảm bảo cạnh tranh với một số đặc khu trên thế giới.

Một số tham luận đề xuất mô hình quản lý và chính sách đặc thù phát triển du lịch Phú Quốc trở thành ngành kinh tế chủ lực; Phát triển nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho du lịch; Cơ chế, chính sách đặc biệt về đất đai, bất động sản, nguồn lực tài chính, thuế áp dụng cho Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc; Xây dựng môi trường kinh doanh đầu tư đặc biệt để thu hút đầu tư; Thu hút và phát triển nguồn nhân lực.

Để Phú Quốc phát triển trong giai đoạn mới mang tính đột phá, ngày 22/3/2017 Bộ Chính trị có Thông báo Kết luận số 21-TB/TW về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hiện nay, UBND tỉnh đang hoàn thiện đề án xây dựng đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc với các ngành trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; Dịch vụ tài chính ngân hàng; Kinh tế biển. Theo đó, đề xuất các cơ chế chính sách theo hướng mở có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; Xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền đa ngành, đa lĩnh vực, nhất thể hóa cơ quan chuyên môn của cấp ủy Đảng với Chính quyền./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2536
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)