Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Đồng. Ảnh: Đức Trung (MPI) (MPI) - Đây là thông tin được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Đồng thông báo tại Hội nghị Thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2018 với các tỉnh, thành phố vùng miền Trung và Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 10/8/2018, tại Hà Nội.
Thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Đồng cho biết, Ninh Thuận triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2017 trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đặc biệt khó khăn nổi lên là thiệt hại của hạn hán kéo dài và lũ lụt cuối năm 2016, việc dừng chủ trương xây dựng Dự án điện hạt nhân và nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã bám sát và cụ thể hóa kịp thời Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, tập trung xác định những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện có kết quả nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm như sau: Tổng sản phẩm nội tỉnh đạt 6.005 tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ, trong đó giá trị gia tăng các ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 12,8%, Công nghiệp - xây dựng tăng 6,6%; Dịch vụ tăng 5,6%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 42,6 triệu USD, tăng 8% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.071 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.070 tỷ đồng, bằng 50,2% kế hoạch năm và tăng 14% so cùng kỳ. Giải quyết việc làm mới cho 8.502 lao động, đạt 54,9% kế hoạch năm và bằng 97,3% cùng kỳ.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và ước thực hiện 6 tháng cuối năm, dự kiến đến cuối năm 2017 có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; còn 03 chỉ tiêu có khả năng không đạt và còn khó khăn: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng khoảng 8-9% (kế hoạch tăng 10-11%); (2) Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,4% (kế hoạch 36-37%), công nghiệp-xây dựng chiếm 21,3% (kế hoạch 22-23%), dịch vụ chiếm 41,4% (kế hoạch 39-40%); (3) Tổng mức đầu tư xã hội khoảng 8.100 tỷ đồng (kế hoạch 8.800 tỷ đồng).
Thực hiện Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản số 5610/BKHĐT-TH ngày 11/7/2016, số 5598/BKHĐT-TH ngày 10/7/2017 về khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo triển khai và tổng hợp xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2018.
Theo đó, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế. Huy động, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế biển và năng lượng tái tạo đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tăng trưởng. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; Phát triển văn hóa; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường ứng phó có hiệu quả biến đổi khí hậu.
Về kinh tế, phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8-9%, GRDP bình quân đầu người đạt 37-38 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 35-36%, công nghiệp - xây dựng chiếm 22-23%, dịch vụ chiếm 41-42%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8.900 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017.
Về kế hoạch đầu tư công năm 2018 được thực hiện theo nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn: Kế hoạch đầu tư công năm 2018 phải góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch năm 2018. Đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Chỉ thị số 29/CT-TTg.
Về xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2018 bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ và của UBND Tỉnh tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số số 70/2016/QĐ-UBND ngày 29/9/2016 của UBND tỉnh, đồng thời phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được cấp có thẩm quyền thông qua.
Việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công cho từng dự án không được vượt quá số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch, sau khi trừ đi số vốn đã giao trong kế hoạch năm 2016 và năm 2017.
Việc phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2018 trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình bảo đảm theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước; Thanh toán nợ đọng XDCB; (2) Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; Dự án hoàn thành trong năm 2018; Vốn đối ứng các dự án ODA; Vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư; (3) Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; (4) Dự án khởi công mới chỉ bố trí vốn kế hoạch 2018 cho các dự án thật sự cần thiết, có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật đầu tư công. Không bố trí kế hoạch năm 2018 cho các dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công.
Trong năm 2018, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của tỉnh Ninh Thuận dự kiến là 3.300 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách nhà nước: 2.097 tỷ đồng; Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: 250 tỷ đồng/01 dự án (hồ chứa nước Sông Than); Vốn thanh toán công trình hoàn thành phục vụ cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân 773 tỷ đồng; Vốn vay 180 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc 105 tỷ đồng và đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn 75 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Phạm Đồng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị về giao kế hoạch năm 2017 và bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2016-2020 đối với các dự án ODA; Giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 và giai đoạn 2017-2020; Giao Kế hoạch vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2017; Thanh toán tuyến đường ven biển; Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2016 sang năm 2017; Bố trí kế hoạch năm 2018 và bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án ODA; Về cơ chế chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận; Giải ngân vốn nước ngoài trong kế hoạch hằng năm; Vướng mắc xử lý chấm dứt hoạt động dự án, đối với dự án đầu tư được gia hạn sử dụng đất./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư