(MPI) – Ngày 12/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đưa ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).
|
Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: chinhphu.vn
|
Đánh giá về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, qua đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế trong nước đã có những cải thiện rõ nét, tích cực hơn; GDP quý II đã có sự bứt phá, khả quan và triển vọng, tăng trưởng quý sau có khả năng cao hơn quý trước. Trên cơ sở kết quả thực hiện của quý II và 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017 được tính toán lại, qua đó nhiệm vụ của các tháng cuối năm vẫn hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần duy trì những nỗ lực và phải rất cố gắng để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế năm 2017 là 6,7%, qua kết quả tăng trưởng của quý I là 5,15%, quý II là 6,17% thì tăng trưởng GDP của quý III phải đạt tối thiểu là 7,23% và quý IV phải đạt là 7,57%. Đây là mức tăng khá cao và là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là kết quả tăng trưởng cùng kỳ năm 2016 đã phục hồi và ở một nền cao.
Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung trong 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong tháng 7, nhất là hoạt động du lịch. Vì vậy, cần đẩy mạnh quảng bá hoạt động du lịch, thu hút khách du lịch gắn với các biện pháp quản lý hiệu quả nhằm tăng chất lượng, phát triển bền vững, lâu dài cho ngành du lịch, đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng chung cho nền kinh tế. Dự kiến tăng trưởng GDP khu vực này quý III phải đạt khoảng 7,67% và 9 tháng là khoảng 7,17%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đã có cải thiện trong tháng 7/2017 nhưng còn thấp so với yêu cầu do mức tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tháng 7 so với tháng 6 năm 2017 thấp, chỉ tăng 1,4%; Tình hình giải ngân và thực hiện vốn đầu tư phát triển 7 tháng đầu năm 2017 còn chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành xây dựng. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến, chế tạo đang có tín hiệu bứt phá, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra đối với lĩnh vực này để có thể bù đắp được sự giảm sút của lĩnh vực khai khoáng, coi đây là định hướng dài hạn, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm nòng cốt để thúc đẩy tăng trưởng của cả khu vực II. Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp kỹ thuật trong việc tăng sản lượng khai thác dầu thô nhằm đảm bảo an toàn mỏ, nhất là trong mùa mưa bão. Dự kiến tăng trưởng GDP khu vực này quý III phải đạt khoảng 8,83% và 9 tháng là khoảng 6,93%. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III phải đạt khoảng 13,4% và 9 tháng là khoảng 15,58%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mới phục hồi lại được mức sản lượng cần có của cùng kỳ năm trước, có thể gặp khó khăn, nhất là chăn nuôi trong các tháng cuối năm do mưa bão, nguy cơ dịch bệnh,... Do đó, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, tăng cường thêm các giải pháp về phòng chống lụt bão, bảo đảm mức tăng trưởng cao của ngành và định hướng phát triển bền vững. Dự kiến tăng trưởng GDP khu vực này quý III phải đạt khoảng 2,98% và 9 tháng là khoảng 2,77%.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, mặc dù dự báo tình hình kinh tế, thương mại, đầu tư của thế giới là tương đối khả quan, tác động tích cực đến nền kinh tế trong nước nhưng một số nguy cơ vẫn tồn tại, nhất là những bất ổn về an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều quốc gia trong khu vực có quan hệ đầu tư, thương mại lớn với nước ta. Bên cạnh đó, tuy mới chớm vào mùa mưa bão nhưng tình hình cho thấy có nhiều diễn biến phức tạp, khác quy luật mọi năm như bão đầu mùa vào khu vực Miền Trung, mưa nhiều ở khu vực phía Bắc, đã gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất và đời sống của người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong các tháng cuối năm 2017, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chủ động, quyết liệt hành động; Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng hợp, liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tổng số có 390 giải pháp, gồm: Nghị quyết 01/NQ-CP có 114 giải pháp; Nghị quyết 19-2017/NQ-CP có 64 giải pháp trọng tâm triển khai trong năm 2017; Nghị quyết 35/NQ-CP có 75 giải pháp; Các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ có 108 giải pháp; Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có 29 giải pháp. Các giải pháp trên bao gồm cả một số giải pháp trùng lặp, được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau.
Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp: Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực; Mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước, kiểm soát nhập khẩu; Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, huy động và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đối thoại với người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Do thời gian không còn nhiều nên các giải pháp ngắn hạn cần tập trung chủ yếu vào các giải pháp có tác động và đóng góp trực tiếp vào GDP của nền kinh tế, trong có có 3 giải pháp trọng tâm: Tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô, than đá và các sản phẩm khai khoáng khác theo như phương án đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu không để cho ngành khai khoáng giảm sâu, đồng thời phải đảm bảo khai thác an toàn và bền vững; Tiếp tục và khẩn trương rà soát các dự án, nhất là các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có khả năng hoàn thành sớm, tạo điều kiện tối đa để hoàn thành đưa vào vận hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay trong những tháng cuối năm 2017, qua đó tăng năng lực sản xuất, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP của cả nước. Đồng thời, rà soát, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, bao gồm cả vốn đầu tư công, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn của các dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa đối với phát triển.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã rà soát lại từng mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng Bộ, ngành, lĩnh vực để xem xét khả năng, mức độ hoàn thành, các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chỉ tiêu GDP liên quan đến việc làm, tích lũy, nợ công và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, phải có những giải pháp, quyết tâm, những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng. Tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả. “Không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả, ít ra là phải thu hồi vốn, không thua lỗ. Chứ không phải ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ”, Thủ tướng nêu rõ quan điểm. “Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế xã hội hiện nay. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quản lý tốt thu ngân sách, tiết kiệm chi; Yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.
Thủ tướng cũng nhất trí các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa, giảm khó khăn, rủi ro trong sản xuất kinh doanh. Tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại… Đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế. Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn.
Tăng xuất khẩu vượt mức 205 tỷ USD trong năm 2017. Tăng cường xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, đặc biệt là du lịch. Tập trung chỉ đạo đối với các mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm, giảm kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất khẩu. Có biện pháp giảm nhập khẩu, nhất là có hàng rào kỹ thuật cần thiết, đúng pháp luật. Đẩy mạnh sản xuất hàng trong nước chất lượng tốt để thay thế hàng nhập khẩu. Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho sản phẩm trong nước./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư