Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/08/2017-14:12:00 PM
5 nước ASEAN thúc đẩy hợp tác quản lý di cư lao động

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thế Phong
Sau 2 ngày làm việc (1-2/8) tại Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác lao động giữa 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV) đã thông qua Tuyên bố chung về Di cư lao động an toàn.

Tuyên bố chung khẳng định hợp tác giữa các nước CLMTV để thúc đẩy di cư an toàn được thực hiện tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia của mỗi nước thông qua các hoạt động cụ thể về di cư an toàn, bảo vệ quyền của lao động di cư và quy định rõ trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận.

Các Bộ trưởng nhất trí cùng nhau thúc đẩy hợp tác về di cư lao động an toàn giữa các nước CLMVT phù hợp với pháp luật, chính sách và chương trình của từng quốc gia, với các vấn đề như hợp tác về di cư lao động an toàn, bảo vệ các quyền của người lao động di cư, trách nhiệm của các nước phái cử và tiếp nhận.

Theo đó, các Bộ trưởng thống nhất tăng cường các hệ thống quản lý di cư; chia sẻ thông tin cần thiết và các điển hình tốt giữa các nước CLMVT liên quan tới các chính sách, pháp luật và việc thực hiện trong việc tăng cường nhận thức, đào tạo kỹ năng và bảo hiểm cho người lao động di cư; thúc đẩy qua biên giới hợp pháp và việc làm hợp pháp cho người lao động thông qua các hiệp định song phương.

Để bảo vệ các quyền của người lao động di cư, các Bộ trưởng khẳng định phải giải quyết một cách có hệ thống các nguyên nhân cốt lõi của di cư bất hợp pháp và lao động di cư không được bảo vệ nhằm tìm kiếm các chính sách và biện pháp hiệu quả để ngăn chặn và phòng chống nạn mua bán người vì mục đích bóc lột lao động tại các nước CLMVT.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp thích hợp cấp quốc gia để nâng cao nhận thức của người dân, người tìm kiếm việc làm, người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức tuyển dụng tư nhân cũng như các cơ quan liên quan về di cư lao động an toàn bao gồm quyền, lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.

Xây dựng chương trình về định hướng trước khi đi nhằm giáo dục và cung cấp kiến thức cơ bản về hợp đồng lao động, ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống, phúc lợi xã hội và quyền, kỷ luật công việc, luật pháp và những điều cấm kị tại quốc gia tiếp nhận. Xây dựng các cơ chế hợp tác nhằm giám sát toàn diện việc đối xử với lao động di cư nhằm đảm bảo rằng họ được luật pháp và các quy định bảo vệ.

Các bộ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm của các nước phái cử và tiếp nhận là phải tiến hành hành động phù hợp nhằm khuyến khích các bên liên quan chia sẻ trách nhiệm và đóng góp nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn từ nước phái cử đến nước tiếp nhận. Khuyến khích chia sẻ thông tin giữa các nước phái cử và tiếp nhận lao động trong CLMVT về việc thực hiện các công ước quốc tế và khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho người lao động di cư.

Với Tuyên bố này, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm quản lý di cư lao động tốt hơn thông qua một số các lĩnh vực ưu tiên cho giai đoạn 2018-2020, bao gồm: Khả năng dịch chuyển của an sinh xã hội; đào tạo trước khi đi và khả năng dịch chuyển của công nhận kỹ năng; tuyển dụng công bằng và hướng dẫn của Tổ chức Lao động quốc tế; hợp đồng lao động chuẩn và quỹ phúc lợi.

Các bộ trưởng yêu cầu các quan chức cấp cao phụ trách về lao động 5 nước CLMTV tiếp tục xây dựng các nguyên tắc đã được thống nhất về di cư lao động, thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo việc thực hiện các chính sách và biện pháp của Tuyên bố chung này./.

Thế Phong
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 915
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)