(MPI) - Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chương trình, công trình, dự án hoàn thành đã đi vào khai thác phục vụ đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết đạt khoảng 20 - 25 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 25 - 30 tỷ USD (bao gồm cả 22 tỷ USD đã đàm phán, ký kết của các giai đoạn trước chưa kịp giải ngân).
|
Ảnh: MPI |
Tuy nhiên, thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí để thất thoát, lãng phí và tham nhũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: công tác chuẩn bị danh mục, xây dựng và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương còn chậm trễ, chất lượng văn kiện dự án thấp, không đáp ứng yêu cầu đề ra về hiệu quả đầu tư,…
Do đó, các cơ quan chủ quản và chủ dự án phải nâng cao chất lượng công tác đánh giá, giám sát chất lượng trong quản lý của cấp có thẩm quyền bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ.
Từ ngày 25 - 29/8/2017, tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB), Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với WB tổ chức khóa tập huấn “Giám sát - Đánh giá trong quản lý dự án ODA và vốn vay ưu đãi” dành cho cán bộ các Ban quản lý Dự án các tỉnh, thành trên cả nước.
Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực của APD trong thực hiện chương trình đào tạo về quản lý dự án ODA, dự án vốn vay ưu đãi và trợ giúp kỹ thuật từ các quốc gia và tổ chức quốc tế”. Dự án góp phần nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện các dự án ODA, vốn vay ưu đãi và trợ giúp kỹ thuật từ các quốc gia và tổ chức quốc tế thông qua việc nâng cao năng lực của các Ban quản lý dự án ở cả cấp trung ương và địa phương.
|
Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển Đào Văn Hùng (phải) phát biểu. Ảnh: MPI |
Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển Đào Văn Hùng cho biết, đây là khóa tập huấn đầu tiên có sự chuyển giao công nghệ đào tạo từ WB sang APD nhằm phổ biến trong giám sát, quản lý các dự án ODA và vốn vay ưu đãi cho cán bộ cấp tỉnh của Việt Nam. Giám đốc Đào Văn Hùng nhấn mạnh, chương trình được các chuyên gia trong nước và quốc tế thiết kế rất công phu và có giá trị thực tiễn cao, góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, nâng cao năng lực quản lý dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA nói riêng.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô lớn mà các nguồn vốn khác không tài trợ được, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc tiếp tục huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này là cần thiết./.
Học viện Chính sách và Phát triển
Bộ Kế hoạch và Đầu tư