Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/08/2017-16:15:00 PM
Phát triển mô hình tổ hợp tác trong kinh tế tập thể
(MPI) - Ngày 18/8/2017, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi trao đổi, chia sẻ với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Bộ liên quan đến mô hình tổ hợp tác trong kinh tế tập thể.

Toàn cảnh buổi trao đổi. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Nội dung buổi trao đổi nhằm chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển mô hình tổ hợp tác trong kinh tế tập thể; Quan điểm, mục tiêu xây dựng Nghị định về tổ hợp tác và một số nội dung, chính sách đối với tổ hợp tác.

Tại buổi trao đổi, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt khi hội nhập kinh tế thế giới. Quy mô kinh tế hộ của Việt Nam rất nhỏ bé, khó cho phát triển hàng hóa quy mô lớn, kém lợi thế trong cạnh tranh. Do vậy, việc sử dụng nguồn lực sẽ được tối ưu hóa, hiệu quả sản xuất sẽ được gia tăng đáng kể thông qua hợp tác, liên kết của các hộ gia đình như hợp đồng hợp tác, tổ - nhóm hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã…hoặc liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp.

Tổ hợp tác là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự nguyện, hình thành theo nhu cầu hộ kinh tế cá thể và người lao động. Tổ chức quản lý, điều hành gọn nhẹ, linh hoạt và pháp lý không có nhiều thủ tục ràng buộc (chứng thực hợp đồng hợp tác), phù hợp với đặc điểm của nông dân. Do vậy, mô hình tổ hợp tác phù hợp nhu cầu liên kết của nông dân sản xuất nhỏ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, giúp khắc phục hạn chế, yếu kém của hộ nông dân nhỏ lẻ như: Thiếu vốn, công cụ lao động, tư liệu sản xuất, kỹ thuật để có thể giảm bớt rủi ro, tăng sức cạnh tranh cho người nông dân, giảm chi phí sản xuất. Đây là loại hình liên kết để giúp nhau giảm chi phí sản xuất và tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho tổ viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, loại hình này có thể kết nối giữa nông dân và các đối tác, chính quyền có thể tham gia trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển lên hợp tác xã.

Tại Nghị quyết số 13/NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX khẳng định, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tư nhân ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cũng tiếp tục khẳng định, phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, người dân sẽ phát huy tiếng nói và sản xuất hiệu quả, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và xã hội, được hưởng lợi ích và chia sẻ rủi ro một cách công bằng hơn. Từ đó, vị thế của nông dân, hộ sản xuất nhỏ ngày càng nâng cao, đạt được nhiều quyền lợi và lợi ích chính đáng, công bằng, đóng góp cho phát triển bền vững chung.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh của tổ hợp tác còn có một số vấn đề tồn tại cần có phương hướng giải quyết như: Tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân; Tư cách chủ thể của quan hệ dân sự chưa rõ ràng; Hoạt động không ổn định, liên kết giữa các thành viên lỏng lẻo và trách nhiệm của tổ hợp tác đối với bên thứ ba không rõ, ảnh hưởng đến tâm lý e ngại đối với các bên ký kết hợp đồng dẫn đến hạn chế khả năng hoạt động, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để khắc phục những tồn tại nêu trên, tổ hợp tác cần đăng ký và được cấp mã số để tạo địa vị pháp lý vững vàng. Đồng thời, công khai thông tin tổ hợp tác, người đại diện và thành viên tổ hợp tác thông qua Cổng thông tin quốc gia về tổ hợp tác.

Tại buổi trao đổi, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã đã nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành Nghị định về tổ hợp tác với mục tiêu, quan điểm: Phân biệt rõ các hình thức hợp tác (hợp đồng hợp tác, câu lạc bộ, nhóm liên kết, nhóm sản xuất, tổ hợp tác); Tăng cường địa vị pháp lý của tổ hợp tác; Ổn định và củng cố vai trò, địa vị của tổ hợp tác trong sản xuất, liên kết, liên doanh giữa các đối tác và giữa các thành viên tổ hợp tác; Xác định rõ phạm vi và nội dung ủy quyền của người đại diện, thành viên và nội dung hợp tác,… Đồng thời, ban hành các chính sách kịp thời và thích hợp nhất hỗ trợ tổ hợp tác phát triển như: Chính sách đăng ký tổ hợp tác với mục tiêu xác định địa vị pháp lý rõ ràng, minh bạch cho tổ hợp tác; Đăng ký tổ hợp tác có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ quan đăng ký cấp huyện; Điều chỉnh cơ chế chính sách minh bạch và ổn định, hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho thành viên và đối tác của tổ hợp tác, tập trung nguồn lực hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước tránh dàn trải mà phải có tác động lan tỏa đến số lượng lớn dân cư và tạo tiền đề cho việc thành lập hợp tác xã.

Chính sách hỗ trợ thành lập tổ hợp tác với mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ hợp tác thành lập và đăng ký, tạo địa vị pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn, giúp tổ viên, hộ sản xuất liên kết, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đề xuất để giải quyết vấn đề hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, miễn phí, lệ phí đăng ký tổ hợp tác trên điều kiện của từng địa phương, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, qua đó sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất cho tổ hợp tác phát triển

Chính sách hỗ trợ về hoạt động của tổ hợp tác với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác hoạt động và phát triển, khắc phục những hạn chế hiện nay của tổ hợp tác; Hỗ trợ kinh phí cho công tác bồi dưỡng cán bộ tổ hợp tác; Hỗ trợ tổ hợp tác trong việc tiếp thị, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm của mình. Quy định những nội dung hỗ trợ cụ thể để tổ hợp tác kịp thời tiếp cận chính sách và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu của Cục Phát triển hợp tác xã, hiện có khoảng 78.306 tổ hợp tác (ước toàn quốc khoảng 98.600 tổ hợp tác) trong đó: 36.104 tổ hợp tác có chứng thực (chiếm 46,1%), 2.930 tổ hợp tác đã ngừng hoạt động (chiếm 3,7% tổng số tổ hợp tác); 191 tổ hợp tác đã chuyển sang hình thức khác (doanh nghiệp, hợp tác xã) với 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 1,09 triệu lao động; Doanh thu bình quân: 229 triệu đồng/năm, lãi bình quân là 35 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên là 26 triệu đồng/năm./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2231
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)