(MPI Portal) – Chiều ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia và Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Thư viện trong tương lai: Tiềm năng vô tận. Thứ trưởng Đặng Huy Đông tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Tạ Đình Xuyên, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng một số cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo tập trung bàn luận các vấn đề về hợp tác, chia sẻ các nguồn lực thông tin, tập trung vào các vấn đề về: hình thành và phát triển mạng lưới thư viện ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức thông tin, thư viện; hợp tác xây dựng thư viện điện tử, thư viện số; khai thác các cơ sở dữ liệu online; hợp tác chia sẻ các nguồn tin…nhằm tăng cường nguồn lực thông tin trong mạng lưới các thư viện chuyên ngành kinh tế, nâng cao chất lượng, công tác thông tin, dự báo, quá trình hoạch định chính sách phục vụ quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, việc hợp tác, chia sẻ các nguồn thông tin, thư viện là một nhu cầu thiết yếu của tổ chức thông tin và thư viện trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thư viện không chỉ là nơi lưu trữ các tài liệu, ấn phẩm,…mà còn là nơi tổng hợp, hệ thống hóa, phổ biến các kiến thức, thông tin, cũng như nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu thông tin được coi như một yếu tố đầu vào của quá trình nghiên cứu, hoạch định chính sách cũng như của quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, thông tin cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình ra quyết định của các lãnh đạo doanh nghiệp, góp phần quyết định đến chất lượng chính sách mà họ đưa ra thông qua việc tiếp cận tới những nguồn thông tin có giá trị, phục vụ trực tiếp cho công trình nghiên cứu, quá trình hoạch định.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực thông tin còn phân tán và chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm kết nối chia sẻ nguồn lực thông tin. Vì vậy, theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, trong bối cảnh đó, việc hợp tác, phối hợp, chia sẻ các nguồn lực thông tin giữa các đơn vị là vô cùng quan trọng nhằm tiết kiệm nguồn lực và kinh phí để phục vụ nghiên cứu, quản lý, hoạch định chính sách. Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sẽ quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin của mạng lưới thư viện chuyên ngành kinh tế ngày càng phát triển.
Hội thảo đã được nghe các đại biểu trình bày các tham luận về mô hình thư viện trong tương lai, hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin như Xu hướng phát triển và các mô hình thư viện tương lai; Kết nối chia sẻ nguồn lực thông tin kinh tế - xã hội giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Số hóa - Kinh nghiệm triển khai và quản lý bộ sưu tập số tại Viện nghiên cứu xã hội Hà Nội và nhu cầu hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin kinh tế - xã hội với các đơn vị; Hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin kinh tế - xã hội của các tổ chức phi chính phủ với nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước.
Về nhu cầu thông tin, các đại biểu đã trình bày các tham luận liên quan như Nhu cầu thông tin và các dịch vụ thư viện phục vụ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách; Một số phản hồi, đánh giá về thông tin kinh tế vĩ mô của người dùng tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh qua góc nhìn của VCCI và Nhu cầu sử dụng sản phẩm và dịch vụ thông tin kinh tế - xã hội phù hợp với mô hình Thư viện Quốc hội Việt nam ngày nay.
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia Tạ Đình Xuyên cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nguồn lực thông tin Thư viện là mục tiêu hướng đến của hoạt động Thông tin – Thư viện. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các Thư viện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Phần lớn ứng dụng công nghệ thông tin mới dừng ở việc tạo lập cơ sở dữ liệu thư mục, tra cứu và giải pháp thông tin, hoạt động theo chế độ cục bộ, khép kín của từng đơn vị.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo con số thống kê, hiện nay cả nước có 263 thư viện, bao gồm 61 thư viện tỉnh, 95 thư viện trường Đại học, 107 thư viện trường Cao đẳng. Trên bình diện toàn quốc cần có một số yêu cầu chung trong quá trình phát triển của thư viện như: Thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ, hội nhập.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho các tham luận, chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài Bộ. Từ đó, xây dựng lộ trình hợp tác, chia sẻ nguồn lực thông tin kinh tế - xã hội từng bước một trong thời gian tới giữa các đơn vị trong Bộ; xây dựng các quy chế hợp tác, các giải pháp kỹ thuật; phát triển mạng lưới thư viện chuyên ngành kinh tế trên cơ sở tự nguyện về hợp tác, chia sẻ nguồn lực một cách lâu dài; tìm kiếm cơ hội hợp tác tác quốc tế với Liên đoàn các Thư viện và Hiệp hội Thư viện./.
Tùng Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư