Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Ngày 25/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Đầu tư phát triển hệ thống Y tế địa phương giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là hỗ trợ đầu tư các cơ sở y tế công lập tại địa phương thuộc quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám và chữa bệnh đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Trong đó, đến năm 2020 góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân, tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 64 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và triển khai thực hiện tối thiểu 28 dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 và tăng lên khi được bổ sung nguồn ngân sách trung ương nhưng tối đa không quá 52 dự án.
Theo Quyết định, tổng số vốn thực hiện Chương trình là 19.829 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 22.500 tỷ đồng), trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 2.389 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 5.060 tỷ đồng), vốn ODA và viện trợ 4.940 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết 10.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 2.500 tỷ đồng.
Chương trình bao gồm 3 dự án thành phần: Hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học hiện đại, thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 với tổng kinh phí huy động thực hiện dự án là 16.608 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 18.814 tỷ đồng); Hỗ trợ đầu tư cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, góp phần thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền giai đoạn 2014-2025 với tổng kinh phí huy động thực hiện dự án 1.630 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.948 tỷ đồng); Hỗ trợ đầu tư các cơ sở y tế ven biển, trên đảo thực hiện Đề án phát triển hệ thống y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 với tổng kinh phí huy động thực hiện dự án 1.591 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 1.738 tỷ đồng).
Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các địa phương cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình; Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn ngân sách trung ương cho các địa phương khi có nguồn; Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, các dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc Chương trình; Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư