Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/09/2017-14:59:00 PM
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương làm việc với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển
(MPI) – Ngày 06/9/2017, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương có buổi làm việc với Nhóm 6 Ngân hàng phát triển (ADB, AfD, JICA, KEXIM, KfW và WB) để trao đổi về những khó khăn, thách thức Chính phủ đang phải đối mặt hiện nay trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và giải pháp tháo gỡ. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và đại diện các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương chia sẻ một số nội dung chính trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi diễn ra vào ngày 01/8/2017.

Để thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện 05 nhóm giải pháp, cụ thể, (i) Tập trung tháo gỡ vướng mắc về kế hoạch vốn nước ngoài để giải ngân hết số vốn kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2017, (ii) Tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện, hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do nguyên nhân chủ quan (iii) Rà soát, kiến nghị hủy vốn các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả, (iv) Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, tinh giản thủ tục hành chính, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi các văn bản pháp quy để giải quyết những vướng mắc liên quan đến Luật đầu tư công; quy trình, chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư; Luật bảo vệ môi trường; thủ tục rút vốn, thanh quyết toán… và (v) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2021 để phù hợp với tình hình mới.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đồng thời nhấn mạnh Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA và Chính phủ cam kết sẽ sử dụng nguồn lực này đúng mục tiêu và hiệu quả nhất. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhóm 6 Ngân hàng phát triển và Chính phủ Việt Nam nói chung cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong việc đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Các nhà tài trợ đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao và những giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang chỉ đạo thực hiện. Những giải pháp này cũng phần nào giải đáp những quan ngại và thống nhất với các đề xuất của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển liên quan đến những thách thức và khó khăn Việt Nam đang đối mặt trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Làm rõ một số nội dung được đại diện Nhóm 6 Ngân hàng phát triển nêu lên tại buổi làm việc liên quan đến lộ trình sửa đổi Nghị định 16, cập nhật Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2018-2020 và sau 2020; xác định những ưu tiên trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong bối cảnh dư địa nợ công không còn nhiều; cơ chế cho vay lại; việc áp dụng các mô hình và phương thức viện trợ mới để khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thúc đẩy các dự án PPP; áp dụng vay không bảo lãnh, nhất là đối với chính quyền địa phương…, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, Luật đầu tư công và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, còn một số điểm vênh nhau và cần sửa đổi đồng thời cả hai văn bản này trong thời gian tới đây. Đối với những ưu tiên trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ được thể nhiện trong Định hướng ODA cập nhật. Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ này. Định hướng cập nhật trước hết yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh cho giai đoạn 2018-2020, giai đoạn 2021-2025 sẽ trình Chính phủ sau khi có khung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đã tốt nghiệp ODA, không còn được nhận viện trợ từ nguồn IDA của Ngân hàng Thế giới (WB), sắp tới sẽ là ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ song phương khác cũng đang giảm dần mức ưu đãi cho Việt Nam, cần xác định rõ những chương trình, dự án nào được sử dụng vốn ODA và các chương trình, dự án nào dùng vốn vay ưu đãi để đảm bảo hiệu quả. Các Bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác xây dựng báo cáo tiền khả thi, lựa chọn dự án, phân tích kỹ lưỡng và cân nhắc tính hiệu quả khi đề xuất vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài đối với các dự án PPP.

Về việc làm rõ hơn cơ chế cho vay lại và tỷ lệ cho vay lại, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy định rõ về việc này. Ý tưởng cho khu vực tư nhân vay lại nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm gánh nặng nợ công là một ý tưởng hay tuy nhiên để hiện thực hóa thì không hề dễ dàng, cần phải có một cơ chế mới phù hợp.

Tại buổi làm việc, đại diện các ngân hàng phát triển bày tỏ mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ và cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc quản lý, điều phối cũng như huy động, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi./.

Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1796
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)