Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/09/2017-11:46:00 AM
Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam
(MPI) - Ngày 01/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Dương Thị Nga, Phó Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các khách mời trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Hội thảo nhằm huy động sự tham gia của các bên liên quan cùng thảo luận về phương thức, sáng kiến, huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế,…trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Chương trình đã phân công trách nhiệm thực hiện nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 các mục tiêu cụ thể cho Việt Nam đến năm 2030.

Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp chính quyền, các cơ quan cũng như các doanh nghiệp và cộng đồng người dân. Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội,… và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có trách nhiệm của các bên liên quan.

Trình bày Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bà Nguyễn Lệ Thủy cho biết, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được các quốc gia thành viên lần lượt thông qua tại Hội nghị của Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, tại NewYork, Hoa Kỳ. Tháng 5/2017, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 662/QĐ-TTg.

Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam đưa ra các giải pháp chủ đạo bao gồm nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tăng cường và huy động các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để triển khai kế hoạch hành động quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức,…. trong việc triển khai kế hoạch hành động. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước cũng như trong phân bổ nguồn lực. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Theo bà Nguyễn Lệ Thủy, thời gian tới Việt Nam cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế về phát triển bền vững nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; Xây dựng kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan tổ chức và xây dựng các Chương trình, Đề án, các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Xây dựng và ban hành các lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng ban hành các hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững cũng như các cơ chế thu thập thông tin, dữ liệu,… Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cũng như các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các địa phương về phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá về các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những sáng kiến của một số tổ chức trong việc tham gia thực hiện VSDGs, cũng như thảo luận những phương thức, sáng kiến huy động sự tham gia và đóng góp của các bên liên quan trong việc thực hiện VSDGs./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1940
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)