Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/09/2017-14:05:00 PM
Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt được mục tiêu tăng trưởng
(MPI) - Đây là chủ đề của cuộc Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/9/2017, tại Hà Nội nhằm bàn về các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ về tăng trưởng bền vững; Nguyên tắc, quy trình điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo tính nhất quán với mục tiêu bao trùm là tăng trưởng kinh tế.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, chuyên gia kinh tế,…cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Vụ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Trần Quốc Phương điểm qua tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2017 và cho biết, dựa trên những kết đạt được, ngày 02/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Qua đó, huy động tối đa sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%.

Vụ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, ngoài nỗ lực chung, cần tập trung giải pháp ngắn hạn và dài hạn bền vững để tận dụng mọi cơ hội, điều kiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính phải thực hiện là: giải pháp về điều hành tài chính, tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; Tận dụng mọi cơ hội cả quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, tăng cường dịch vụ, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn FDI và tư nhân. Giải pháp dài hạn là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng cạnh tranh.

Vụ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, sau khi Chỉ thị được ban hành, kết quả của nền kinh tế đã có nhiều khởi sắc. Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2017, quý II cao hơn quý I, thể hiện rõ nhất ở chỉ số tăng trưởng GDP. Khoảng cách tăng trưởng từ quý I đến quý II đã tăng hơn 1 điểm phần trăm, tăng trưởng bứt phá lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các chỉ số vĩ mô khác đều ổn định, mang tính hỗ trợ cho thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, chỉ số tài chính, tiền tệ đảm bảo, tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2017 đạt trên 10%. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất nhập khẩu có sự tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu tăng trưởng 18%, nhập khẩu tăng trên 22%, trong đó nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu. Dự kiến tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay vượt xa với mục tiêu đề ra. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ cũng có sự tăng trưởng tốt. Chỉ số bán lẻ hàng hóa trong nước tăng cao, thể hiện thị trường trong nước có nhiều khởi sắc.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Vinginia Foote cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, điều này sẽ tạo điều kiện và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đưa ra các khung chính sách thông thoáng đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bởi khi doanh nghiệp phát triển thì sẽ tăng năng suất và đóng góp vào thu ngân sách. Bà Vinginia Foote cho biết, Phòng Thương mại Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để đưa ra đánh giá về những thuận lợi, khó khăn tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 nhằm tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong những năm sau. Khâu đột phá được xác định là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối tượng được tập trung ưu tiên là khu vực kinh tế tư nhân, còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác.

Tuy nhiên, nguồn lực của Chính phủ hiện nay đang hạn chế. Do vậy, cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi, ví dụ như các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số.

Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về chủ đề các cách thức thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp; Kích thích tăng trưởng với các ý tưởng phát triển mới, ý tưởng kinh doanh mới, ý tưởng đầu tư mới và tận dụng ưu thế nền kinh tế số. Các đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra phải có sự nhất quán trong phối hợp, triển khai chính sách đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, cần phải tạo các cơ chế, chính sách, nguồn lực, nhất là chính sách liên quan đến kinh tế tư nhân, vốn nước ngoài... để tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, phải cải cách thủ tục, giảm chi phí, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thơi, cần thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp;.../.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1685
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)