Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/09/2017-17:09:00 PM
Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam
(MPI) – Ngày 14/9/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Xu hướng phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam".

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trình bày, chia sẻ kết quả nghiên cứu về sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp; Lao động và tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp; Phát triển các khu công nghiệp và nhà ở cho công nhân; Dự báo cung cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp đến năm 2030.

Các tham luận được lựa chọn trình bày tại Hội thảo gồm: Việc làm, tiền lương, thu nhập và đời sống lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam; Định vị xu hướng phát triển của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam đến năm 2030; Một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; Phân tích ảnh hưởng của tiền lương bình quân đến năng suất lao động trong nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam ước tính sử dụng gần 14 triệu lao động, chiếm gần 64% số lao động làm công ăn lương và hơn 35% lực lượng lao động có việc làm của cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang thể hiện vai trò động lực ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; Đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Điều này cho thấy, việc phát triển doanh nghiệp ngày càng được quan tâm để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, nâng cao thu nhập,…

TS. Nguyễn Văn Thuật, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trình bày tham luận Định vị xu hướng phát triển của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Việt Nam đến năm 2030, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng có được bước phát triển vượt bậc và giữ vị thế, vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này không chỉ thể hiện là doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng tăng về số lượng, có đóng góp ngày càng to lớn vào tăng trưởng kinh tế, mà còn sử dụng nhiều lao động.

Vì vậy, việc phát triển loại hình doanh nghiệp này đang là vấn đề cấp thiết không chỉ để nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế đất nước nói chung, sức mạnh của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng, mà còn để đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế thị trường, trọng tâm là nhu cầu phát triển khách quan của kinh tế tư nhân, cũng như tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động có cơ hội lựa chọn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, lao động tự tạo việc làm sang phát triển lao động làm công ăn lương.

Theo tham luận, sự phát triển của lao động trong doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn 2010-2016 đã có sự gia tăng về số lượng hằng năm, được thể hiện ở năm sau có số lượng lao động nhiều hơn năm trước, đặc biệt là có dấu hiệu tăng mạnh kể từ năm 2015. Chất lượng lao động và năng suất lao động đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn chậm,... Vì vậy, nhìn chung sự phát triển của lao động trong loại hình doanh nghiệp này vẫn còn chậm so với tiềm năng và yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Từ nay đến năm 2030, số doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ gia tăng mạnh và nhìn chung hoạt động ngày một hiệu quả hơn, qua đó sẽ thu hút thêm nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói chung, chủ yếu là loại hình doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Chất lượng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời gian tới cũng sẽ được cải thiện ngày một nhiều hơn.

Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Mai Thị Thu phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Kết luận Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Mai Thị Thu đánh giá cao các tham luận được trình bày tại Hội thảo, đã phản ánh những vấn đề về cả thực tiễn khoa học, đặc biệt những đóng góp, nhận xét của các chuyên gia, các nhà khoa học là những thông tin, dữ liệu quan trọng không chỉ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý tham khảo, mà còn là cơ sở, luận cứ quan trọng cho các nhà khoa học tham khảo để mở rộng hướng nghiên cứu tiếp theo./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1747
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)