Ảnh minh họa: Nguồn: (MP)I (MPI) – Theo Báo cáo số 241/BC-TCTK ngày 27/9/2017 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 9/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 19 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng 8/2017 nhưng tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016; Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng 8/2017.
Ước tính trong tháng 9/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 5,21 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng 8/2017; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,79 tỷ USD, giảm 3,3%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm so với tháng 8/2017: Gạo giảm 21,3%; Giày dép giảm 21,1%; Hạt tiêu giảm 16,1%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 11,4%...
So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2017 tăng 23,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 22,5%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016: Điện thoại và linh kiện tăng 47,7%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 32,3%; Dệt may tăng 11,7%.
Tính chung 9 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 16,8%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm 2016: Điện thoại và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; Dệt may đạt 19,3 tỷ USD, tăng 8,6%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8%; Giày dép đạt 10,6 tỷ USD, tăng 12,7%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 9,3 tỷ USD, tăng 30,1%… Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2016: Hạt tiêu đạt 981 triệu USD, giảm 18% (lượng tăng 25,1%); Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 726 triệu USD, giảm 3,1% (lượng tăng 4,5%)…
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 31,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu giày dép tăng 15,7%; Dệt may tăng 8,1%. Tiếp đến là EU đạt 28,4 tỷ USD, tăng 15,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 24,2%; Giày dép tăng 14,7%; Điện thoại và linh kiện tăng 13,5%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, là thị trường có tốc độ tăng cao nhất với 44,7%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 88,5%; Rau quả tăng 60%. Thị trường ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 26,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 49,1%; Điện thoại và linh kiện tăng 38,3%. Thị trường Nhật Bản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc đạt 10,6 tỷ USD, tăng 27,3%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40,5%; Điện thoại và linh kiện tăng 36,6%; Dệt may tăng 6,1%. Thị trường Thái Lan đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28,7%, trong đó dầu thô tăng 217,5%; Điện thoại và linh kiện tăng 55,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,6%.
Ước tính tháng 9/2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 7,25 tỷ USD, tăng 1,7%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,35 tỷ USD, tăng 2,7%. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng cao so với tháng 8/2017: Điện thoại và linh kiện tăng 19,6%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,4%. Một số mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch giảm nhiều: Phân bón giảm 37,5%; Than đá giảm 20,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 16,3%. So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 27,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,6%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2016: Điện thoại và linh kiện tăng 78%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 47,3%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 26,3%.
Tính chung 9 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,3 tỷ USD, tăng 18,7%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước tăng so với cùng kỳ năm 2016: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 27 tỷ USD, tăng 32,9%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,8 tỷ USD, tăng 28,3%; Điện thoại và linh kiện đạt 10,7 tỷ USD, tăng 41,3%…Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2016: Ô tô đạt 3,8 tỷ USD, giảm 12,4%; Thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,5%; Phương tiện vận tải khác và phụ tùng đạt 623 triệu USD, giảm 22,8%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 24,7%; Điện thoại và linh kiện tăng 20,6%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 18,9%. Tiếp theo là Hàn Quốc với 33,9 tỷ USD, tăng 46,5%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 113,3%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45,9%. Nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, tăng 19,7%, trong đó xăng dầu tăng 27,2%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 12,9%. Nhật Bản đạt 11,8 tỷ USD, tăng 8,2%. EU đạt 9,1 tỷ USD, tăng 13,3%, trong đó dược phẩm tăng 11,6%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 9,8%. Thái Lan đạt 7,5 tỷ USD, tăng 21,4%, trong đó nhập khẩu rau quả tăng 144,2%; Xăng dầu tăng 47% (lượng tăng 19,4%); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 14,1%. Hoa Kỳ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 16,3%, trong đó bông tăng 65,2%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2017 ước tính xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2017 nhập siêu 442 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,08 tỷ USD; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,64 tỷ USD; Nhập siêu từ Hàn Quốc lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam; Tiếp đến là nhập siêu từ Trung Quốc với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6%; Nhập siêu từ ASEAN là 4,6 tỷ USD./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư