(MPI Portal) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về họp giao ban sản xuất hàng tháng, sáng ngày 26/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị giao ban tháng 3 về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013.Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành, Tập đoàn kinh tế và các địa phương. Thứ trưởng Đặng Huy Đông chủ trì Hội nghị.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết Hội nghị là dịp để đại diện các Bộ, ngành và địa phương cùng nhau thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành và địa phương. Từ đó, đưa ra những chính sách, kiến nghị nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các Bộ, ngành, địa phương nói riêng.
Tại Hội nghị, Ông Bùi Hà - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân trình bày báo cáo một số nét chủ yếu về tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013. Báo cáo chỉ ra một số chỉ tiêu cụ thể như sau:
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2013 ước đạt 4,89% so với cùng kỳ năm 2012. Trong tháng 3 năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 31,9% so với tháng 02/2013 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Về sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2013 đạt 161.497,15 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2012. Nhìn chung thời tiết từ Tết Nguyên Đán đến nay tương đối thuận lợi, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Khu vực dịch vụ gồm hoạt động du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách cũng như mạng lưới và dịch vụ bưu chính viễn thông nhìn chung trong tháng 3/2013 đều tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2012.
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 3/2013 có nhiều thay đổi. Về hoạt động nhập khẩu, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3/2013 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không tính dầu thô) ước đạt 6,4 tỷ USD. Tính chung 3 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu 3 tháng đầu năm 2013 gồm dầu thô, than đá, dệt may, gỗ, linh kiện điện tử, gạo, cà phê, cao su…Thị trường xuất khẩu, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 16,9%, vào EU tăng 32,2%, vào ASEAN tăng 29,5%, vào Nhật Bản tăng 1,6% và Trung Quốc tăng 8,2%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3/2013 ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng 56,1% so với tháng 2/2013. Tính chung 3 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Lượng kim ngạch nhập khẩu chủ yếu tập trung vào xăng dầu, sắt thép, phân bón, giấy, chất dẻo, máy móc thiết bị và máy tính, linh kiện, nguyên phụ liệu dệt may. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, đây là tháng có chỉ số giảm sau ba năm liên tiếp có chỉ số giá tháng 3 tăng. Trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ tháng này, chỉ số giá hàng ăn uống và dịch vụ giảm mạnh với mức giảm 0,53%. Tiếp đến là các mặt hàng giao thông, đồ uống, bưu chính viễn thông giảm.
Về đầu tư phát triển, vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước tính đến hết tháng 3/2013 nguồn vốn ODA cho vay lại đạt 3.300 tỷ đồng, bằng 30% kế hoạch năm. Nguồn vốn trong nước cho vay đầu tư của Nhà nước thực hiện ước khoảng 3.131,2 tỷ đồng. Dư nợ bình quân hỗ trợ xuất khẩu đạt khoảng 10.120,9 tỷ đồng, bằng 70,07% kế hoạch năm.
Trong 3 tháng đầu năm 2013,có 19 dự án ODA được ký kết với tổng giá trị 2.417,88 triệu USD. Một số dự án lớn được ký kết gồm: Các dự án sử dụng vốn vay của Nhật Bản như dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Ô Môn; dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1-giai đoạn 1…các dự án được ADB tài trợ gồm: dự án phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Kông mở rộng; dự án hỗ trợ nông nghiệp phát thải các khí các – bon thấp.
Giải ngân ODA 3 tháng đầu năm 2013 ước đạt khoảng 290 triệu USD (trong đó vốn vay ước đạt 260 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 30 triệu USD) tương đương với mức giải ngân so với cùng kỳ năm 2012.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến hết 20/3/2013, cả nước có 191 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2927 triệu USD tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về phát triển doanh nghiệp, trong quý I/2013, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng, giảm 6,8% về số lượng doanh nghiệp và 16,1% về vốn so với quý I năm 2012. Xét về quy mô cho thấy, mức vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2013 vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, mức vốn đăng ký bình quân quý I/2013 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2012, giảm 19% so với quý IV năm 2012.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tại Hội nghị, đại diện một số Bộ, tập đoàn kinh tế đã trình bày một số nét sơ bộ về kết quả hoạt động trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013. Theo ý kiến của đại diện Tập đoàn điện lực, Tập đoàn xi măng Việt Nam, Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn bưu chính viễn thông đã thông báo một số nét chính về kết quả hoạt động của các Tập đoàn. Về cơ bản, tình hình sản xuất, kinh doanh trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế, kết quả hoạt động có khả quan hơn nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra.
Theo ý kiến của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trước tình hình kinh tế hiện nay với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng nhà nước đã ban hành những văn bản hướng dẫn, chính sách điều chỉnh lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đang tồn tại những vấn đề như hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng. Các vấn đề này phần nào ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Đại diện một số địa phương như Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An cũng đã báo cáo sơ bộ về tình hình sản xuất kinh doanh tại các địa phương này. Nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Vấn đề tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, lãi suất vay cao và nguồn vốn để thực hiện xây dựng cơ bản hiện còn nhiều khó khăn.
Đại diện các địa phương này kiến nghị, Chính phủ cần đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông thôn trong việc tiếp cận vốn, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người dân nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đánh giá chung về tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2013 có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên còn không ít khó khăn, nhất là trong khu vực công nghiệp và doanh nghiệp. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận các vấn đề liên quan đến việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tình hình sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành, các địa phương trong 3 tháng đầu năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, những khó khăn trong việc triển khai thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu./.
Tùng Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư